Việt Nam cần hợp tác với các nước xuất khẩu gạo trong ASEAN

Theo ncseif.gov.vn

Theo tờ Tin tham khảo của Lào, thị trường gạo thế giới trong 2-3 năm qua xảy ra nhiều biến động chưa từng có. Nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo thuộc ASEAN, đứng đầu là Thái Lan và Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với gạo rẻ của Ấn Độ và Pakistan. Theo các nhà phân tích, tình hình này có thể khiến ASEAN phải khẩn trương tập hợp thành một khối, trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam và Thái Lan luôn đứng đầu về xuất khẩu gạo, nhưng năm nay, bỗng xuất hiện một quốc gia chưa ai từng nghĩ tới vươn lên dẫn đầu , đó là Myanmar. Năm 2017, Myanmar dự tính sẽ xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo.

Hiện Myanmar xuất khẩu 200.000 tấn gạo sang Indonesia. Đây là lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, Myanmar xuất khẩu gạo sang Indonesia – quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 trong ASEAN. Trong khi đó, Philippines – quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và là đối tác nhập khẩu gạo của Việt Nam cũng quay sang đàm phán với Myanmar để nhập gạo của nước này.

Trong năm 2017, Việt Nam đề ra mục tiêu xuất khẩu từ 6,5 -7 triệu tấn gạo, so với 7,1 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2016. Vấn đề của Việt Nam là không có đủ gạo có chất lượng cao để xuất khẩu, trong khi gạo chất lượng thấp và gạo 25% tấm rất nhiều nhưng lại rất khó xuất khẩu, do nhu cầu thị trường đối với loại gạo này thấp  và phải cạnh tranh với gạo của Ấn Độ và Pakistan có giá thấp hơn nên gạo chất lượng thấp và gạo 25% tấm của Việt Nam rơi vào tình trạng ế ẩm.

Gạo cùng loại của Thái Lan còn thảm hại hơn, do có giá cao hơn gạo của Việt Nam. Trong tháng 2 năm 2017, Việt Nam mới xuất khẩu được 300.000 tấn gạo. So với cùng thời điểm này hàng năm Việt Nam thường xuất được 700.000 – 1,5 triệu tấn gạo.

Theo các chuyên gia, Myanmar từng là vựa lúa của ASEAN. Cách đây hơn 40 năm nước này từng là quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới. Hiện gạo của Myanmar đang lấy lại vị thế trên thị trường quốc tế do chất lượng gạo tốt và giá cả thấp hơn so với các nước xunh quanh.

Sản lượng gạo của Việt Nam cũng tăng hàng năm, nhưng phần lớn là gạo chất lượng thấp, do đó Việt Nam phải tìm kiếm sự hợp tác với Thái Lan trong lĩnh vực thị trường gạo. Thái Lan từng xuất khẩu  9-10 triệu tấn gạo/ năm. Tuy nhiên, mới đây Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan tuyên bố kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay chỉ dừng lại ở con số 7 triệu tấn.

Hiện nay, Myanmar đang tập trung trồng loại gạo thơm chất lượng cao. Trong 3 năm tới, gạo xuất khẩu của Myanmar chủ yếu là loại gạo thơm này. Hiệp hội công nghiệp gạo Myanmar đã bắt đầu tích trữ loại gạo này từ cuối năm 2016 và năm 2017, Myanmar sẽ xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo.

Đến năm 2018, xuất khẩu gạo của Myanmar ước đạt 2 triệu tấn, năm 2019 sẽ là 3 triệu tấn hoặc nhiều hơn. Bên cạnh đó Myanmar còn tập trung phát triển hệ thống giao thông vận tải để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đang không ngừng gia tăng.

Theo các chuyên gia, nhóm CLMV ( gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) tuy chưa thấy mô hình hợp tác trong thị trường gạo, nhưng mỗi quốc gia đều có mục đích tăng cường xuất khẩu gạo. Năm 2015, Campuchia đã xuất khẩu được khoảng 1-1,5 triệu tấn, Lào 1 triệu tấn. Như vậy, tổng sản lượng xuất khẩu gạo của các quốc gia CLMV nhiều hơn Thái Lan.

Trong tương lai, quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất trong ASEAN vẫn là Philippines và Indonesia. Như vậy cộng đồng kinh tế ASEAN ( AEC) sẽ là thị trường gạo lớn và đồng thời là nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Vì thế, đã đến lúc Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu gạo chủ đạo trong khu vực phải hợp tác thành một khối, nhằm cạnh tranh và giành lại lợi thế trên thị trường gạo quốc tế.