Việt Nam cần làm gì để ngành Công nghiệp hỗ trợ “cất cánh”?

TS. Nguyễn Thị Hải Hà

Cùng với tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tiến nhất định, hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, Việt Nam cần hoạch định các chính sách đồng bộ để ngành công nghiệp hỗ trợ “cất cánh”.

Một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu Chiến lược và quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam.
Một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu Chiến lược và quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam.

Tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng được cải thiện

Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định. Thống kê của Bộ Công Thương năm 2018 cho thấy, số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong CNHT chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, tương đương 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo với doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh trong năm 2018 ước đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo...

Bên cạnh đó, một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Năng lực sản xuất sản phẩm CNHT trong nước theo đó được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam cũng được cải thiện, Tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy.

Một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu Chiến lược và quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra, đáp ứng cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%)…

Bên cạnh những kết quả đạt được, CNHT Việt Nam hiện nay còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đó là, quy mô và năng lực của các DN CNHT hiện nay còn nhiều hạn chế: Số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện, chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Cụ thể, chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện ôtô cung ứng trên thị trường còn kém; Phần lớn DN CNHT trong nước về CNHT chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô-tô...

 Để công nghiệp hỗ trợ “cất cánh”

Trong bối cảnh hiện nay, để phát huy hơn nữa vai trò của ngành CNHT đối với phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần chú trọng triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách phát triển CNHT: Trước mắt, cần điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP liên quan đến phạm vi CNHT; làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi; rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, nghiên cứu ban hành chính sách thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như: Cơ khí, ô tô, dệt may, da – giày, điện tử; nghiên cứu chiến lược hỗ trợ xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm… nhằm tạo thị trường cho các ngành CNHT phát triển, bao gồm các chính sách về thị trường, phòng vệ thương mại và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho DN.

Thứ hai, bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp nhằm thực hiện Chương trình phát triển CNHT được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các DN CNHT trong nước. Đồng thời, khuyến khích các địa phương xây dựng các chính sách, chương trình phát triển CNHT riêng, đầu tư các nguồn lực trên địa bàn, gắn với việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách CNHT đến các DN trên địa bàn để DN tiếp cận đầy đủ các chính sách của Nhà nước.

Thứ ba, xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và CNHT có thời hạn đến năm 2025.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách phát triển CNHT để thu hút đầu tư nguồn lực xã hội vào phát triển CNHT; Xây dựng cơ sở dữ liệu về các DN CNHT Việt Nam và cụm liên kết nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam; Triển khai hiệu quả các chương trình kết nối kinh doanh, liên kết giữa DN Việt Nam với các DN đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; Xúc tiến kết nối đầu tư tại thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hoá và mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm tạo cơ hội thị trường cho các sản phẩm CNHT…

Thứ năm, tăng cường tư vấn, tìm kiếm, giới thiệu và hỗ trợ chuyển giao các công nghệ sản xuất hiện đại; hỗ trợ xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến cho các DN sản xuất sản phẩm CNHT trong nước, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN CNHT.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 1483/QĐ- TTg ngày 26/8/2011 ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;

2. Chính phủ, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

3. Tìm giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Báo Diễn đàn doanh nghiệp online, 23/7/2019;
4. Nhật Phương (2019), Đề xuất hàng loạt giải pháp cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, Báo Nhà báo và Công luận.

5. Phạm Thị Oanh (2019), Phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2019.