Việt Nam cần tận dụng đà phục hồi kinh tế toàn cầu

Theo eFinance.vn

(Tài chính) Tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó bao gồm vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh… là vấn đề cơ bản nếu Việt Nam muốn tận dụng tối đa đà phục hồi toàn cầu và từ quá trình hòa nhập kinh tế trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, TPP, EU và trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại song phương khác.

 Việt Nam cần tận dụng đà phục hồi kinh tế toàn cầu
Việt Nam muốn tận dụng tối đa đà phục hồi toàn cầu và từ quá trình hòa nhập kinh tế trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, TPP, EU và trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại song phương khác. Nguồn: internet
Đây là nhận định của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam VDPF 2013 tổ chức ngày 5/12, tại Hà Nội.
 
Thành công với tư cách nước thu nhập trung bình
 
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trong 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã cùng các nhà tài trợ quốc tế hợp tác hiệu quả, tiến hành công tác các Hội nghị nhóm tư vấn CG hàng năm. Từ nước nghèo, kém phát triển đầu những năm 1990, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đồng thời Việt Nam đã sớm hoàn thành cơ bản các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) và xóa đối giảm nghèo. Đây là niềm tự hào, niềm vui chung của Việt Nam và các nhà tài trợ về sự hợp tác kiên trì, có hiệu quả và rất thành công trong suốt hơn 20 năm qua.

Trong bối cảnh mới, từ một “quốc gia nhận viện trợ” trở thành “quốc gia đối tác phát triển” với lần đầu tiên VDBF được tổ chức sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho Việt Nam. “Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin bày tỏ lời cám ơn chân thành đối với sự hỗ trợ to lớn của các nhà tài trợ trong thời gian qua” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
 
Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Thực tiễn hợp tác phát triển tích cực và có hiệu quả trong suốt 20 năm qua giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển là một tiền đề và là cơ sở quan trọng để quan hệ hợp tác phát triển sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng và có hiệu quả trong thời gian tới. Đây cũng là nhân tố quan trọng hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 -2020, tái cấu trúc và nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế, vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong giai đoạn phát triển mới.Việt Nam mong muốn cùng với các nhà tài trợ mở ra trang sử mới của mối quan hệ hợp tác vì một đất nước phát triển nhanh và bền vững.
 
Đánh giá cao về việc thực hiện VDBF, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định: "Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tổ chức VDPF và tin tưởng VDPF sẽ tăng cường mối quan hệ đối tác thông qua đối thoại chuyên sâu và qua đó tìm ra các hành động cụ thể để cùng nhau thực hiện giúp Việt Nam thành công với tư cách là một nước có thu nhập trung bình".
 
Ghi nhận về thành công của Việt Nam trong suốt thời gian qua, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể và kinh tế cũng đã phục hồi. Đây là nỗ lực đáng khen ngợi của Chính phủ nhằm ổn định tình hình kinh tế vĩ mô và bắt đầu tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu nhờ vào các yếu tố trong nước. Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, việc đánh giá các ưu tiên cũng thực hiện trong bối cảnh có những thay đổi về tài chính tài trợ cho các chương trình phát triển.

 Những thắng lợi của Việt Nam khi trở thành nước có thu nhập trung bình ở mức thấp đã xảy ra tại thời điểm ODA giảm sút và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai gần, do tác động của khủng hoảng kinh tế hiện đang diễn ra trên toàn cầu. Điều này đòi hỏi những cách thức hợp tác đối tác không liên quan tới ODA để đảm bảo quá trình phát triển, bao gồm cả đối tác công tư trong cung cấp dịch vụ, hợp tác Nam – Nam và hợp tác khu vực để tăng cường trao đổi kiến thức và hội nhập quốc tế. Những thay đổi về mô hình tài chính và các quan hệ đối tác phát triển có thể đòi hỏi cần thiết lập các mô hình khác và không chỉ tập trung vào hiệu quả viện trợ.
 
Khai thác triệt để lợi thế
 
Đại diện WB bà Victoria Kwakwa cho rằng: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính và ngân hàng và kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân là những yếu tố quan trọng để khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế. Đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khu vực tài chính sẽ giúp khôi phục năng lực cạnh tranh và tăng trưởng về lâu dài.
 
Trong khi đó, ông Sanjay Kalra, Đại diện Thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam đánh giá: Sự ổn định kinh tế vĩ mô đạt được trong năm 2012 và 2013 được đánh giá rất cao và rất cần được duy trì trong tương lai. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cam kết này về ổn định kinh tế vĩ mô cần có sự hỗ trợ của các hành động chính kiên định và nguồn dự phòng cần được củng cố hơn nữa để bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Ông Kalra cũng khuyến nghị: Chính phủ cũng cần khắc phục gấp các yếu kém cơ cấu chính đang cản trở tiềm năng phát triển về trung hạn của Việt Nam. Nếu thiếu các cải cách cơ cấu mang tính vĩ mô quan trọng, tăng trưởng sẽ tiếp tục bị kìm lại bởi năng suất thấp, phân bổ sai nguồn lực, các bảng cân đối yếu kém của các ngân hàng và doanh nghiệp cũng như hoạt động kém hiệu quả của một số các DNNN và Tập đoàn Kinh tế (TĐKT). Thiết kế và thực hiện thành công một gói chính sách toàn diện nhằm bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô trong khi tiến hành cơ cấu lại các ngân hàng và các DNNN/TĐKT sẽ có tác động rất rõ.
 
Cụ thể, cải cách ngành ngân hàng vẫn là một ưu tiên hàng đầu. Giải quyết những yếu điểm liên qua đến chất lượng tài sản, nợ xấu, trích lập dự phòng và mức vốn là việc rất quan trọng để tạo ra một môi trường mà trong đó các ngân hàng làm trung gian chuyển tiết kiệm của quốc gia tới đầu tư hiệu quả. Vấn đề này cần được giải quyết ở tất cả các ngân hàng, lớn và nhỏ, nhà nước hay cổ phần. Ngay tại cuộc họp hồi cuối tháng 6/2013, Ban Giám đốc Điều hành của IMF đã ghi nhận rằng Việt Nam đang tiến hành rất nhiều việc đề giải quyết các yếu kém trong khu vực tài chính, nhưng các vấn đề đó vẫn tồn tại và thêm vào đó là hạn chế thiếu thông tin tình hình tài chính thực.
 
Để khôi phục sức khỏe của hệ thống ngân hàng, các Giám đốc Điều hành IMF khuyến khích Việt Nam nên thực hiện các biện pháp cấp vốn bổ sung các ngân hàng, tăng cường thanh tra và quản lý ngân hàng mất khả năng thanh toán vì việc đó sẽ làm yếu đi động cơ để tái cơ cấu và trì hoãn việc cấp vốn bổ sung cần thiết trong khu vực ngân hàng. Hay nói rộng hơn, thị trường vốn có thể phát triển hơn nữa nhằm bổ trợ cho hệ thống ngân hàng, tạo thêm những cơ hội khác về lợi nhuận - rủi ro cho các nhà đầu tư, thu hút luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ổn định…
 
Về chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái, duy trì lạm phát thấp là nền móng của nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô. Điều quan trọng là NHNN theo dõi chặt chẽ các áp lực lạm phát vì lạm phát cơ bản cao cho thấy kỳ vọng lạm phát vẫn còn. Những lợi ích thu được từ việc giảm thêm lãi suất chính sách bị hạn chế khi những yếu kém của khu vực ngân hàng vẫn còn đó và có thể làm hỏng những thành quả đã giành được. Mức độ dự trữ ngoài hối của Việt Nam tuy đã tăng nhưng vẫn còn thấp hơn mức đủ để đối phó với những cú sốc lớn từ bên ngoài.
 
IMF cũng khuyến nghị Chính phủ cần thận trọng kiềm chế giảm thuế thêm nữa mà nên yêu cầu các DNNN đang làm ăn có lãi trả cổ tức và tăng cường công tác quản lý thuế trong khi mở rộng cơ sở thu. Chi cho an sinh xã hội cần được duy trì trong khi chi đầu tư công nên được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và nên giảm xuống mức bền vững. Ngân sách phải có dư địa để trả nợ dự phòng liên quan tới các cải cách cơ cấu.
 
(SOEs), cải cách tài chính và đầu tư công cần đi kèm với những nỗ lực nhằm cung cấp bảo trợ xã hội cho những người dễ bị tổn thương ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại sẽ giúp quốc gia có khả năng ứng phó tốt hơn trước những cú sốc kinh tế, biến đổi khí hậu và sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Để khai thác hết tiềm năng phát triển, Việt Nam cần trở thành một nền kinh tế có kỹ thuật cao, có khả năng cạnh tranh và hiệu quả hơn. Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục cần cung cấp giáo dục chất lượng và đào tạo nghề cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và để các nhóm dân cư trên toàn quốc và ở mọi khu vực có thể tiếp cận được.
 
“Việt Nam là một đất nước được thừa hưởng rất nhiều lợi thế, gồm cả dân số trẻ và cần mẫn. Nếu sử dụng những nguồn lực này tốt sẽ giúp Việt Nam đạt được mức sống cao trong tương lai và có những thành tựu lớn hơn những thành tựu xuất sắc mà Việt Nam đã làm được trong việc giảm nghèo và đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trong mười năm qua.” - Đại diện IMF khẳng định.