Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế để xuất khẩu sang Nhật

PV.

(Tài chính) Mặc dù Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản đã được kí hết từ năm 2008, với nhiều chính sách ưu đãi về thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu, song cho đến nay việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này vẫn còn hạn chế và gặp không ít khó khăn.

Tính đến hết tháng 12/2013, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đạt gần 26 tỉ USD. Nguồn: internet
Tính đến hết tháng 12/2013, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đạt gần 26 tỉ USD. Nguồn: internet
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt 265 tỉ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 132 USD và xuất siêu khoảng 500 triệu USD. So với năm 2012 thì con số này tăng 15%. Xuất khẩu sang Nhật trong năm 2013 ở mức khoảng 26 tỉ USD. Trong đó, tỉ lệ xuất khẩu đạt mức cao thuộc về các doanh nghiệp FDI, các ngành điện tử, máy tính và linh kiện, dệt may, da giày là những mặt hàng chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn.

Cụ thể: hàng dệt may đứng đầu với 2,18 tỷ USD, chiếm 17,63% tổng kim ngạch, tăng 21,54% so cùng kỳ; Đứng thứ 2 là dầu thô với 1,86 tỷ USD, chiếm 15,05%, giảm 18,88%; Phương tiện vận tải phụ tùng đứng thứ 3 với 1,69 tỷ USD, chiếm 13,64%, tăng 9,36%; tiếp đến máy móc phụ tùng 1,1 tỷ USD, chiếm 8,9%, giảm 2,55%; Hàng thủy sản 1,02 tỷ USD, chiếm 8,21%, tăng nhẹ 1,39%. Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày, sản phẩm từ chất dẻo.  

Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường Nhật cũng như việc xuất khẩu hàng hóa của nước ta được hưởng nhiều lợi thế ưu đãi về thuế quan và có lợi thế cạnh tranh hơn các nước khác, đặc biệt là các mặt hàng về nông sản, dệt may, thủy sản được miễn thuế. Tuy nhiên, trong năm 2013, tỉ lệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này vẫn ở mức khiêm tốn.

Tính đến hết tháng 12/2013, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đạt gần 26 tỉ USD, trong đó xuất khẩu chỉ ở mức 14,5 tỉ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỉ trọng cao là dệt may, dầu thô, phương tiện và phụ tùng vận tải, thủy sản, lâm sản. Trong khi đó, tỉ lệ nhập khẩu ở mức 11,5 tỉ USD, chủ yếu các mặt hàng máy móc thiết bị, thép, nguyên liệu chất dẻo, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử. Như vậy, Nhật Bản vừa là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam vừa là thị trường cung cấp hàng hóa lớn cho Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì giá trị buôn bán hai chiều giữa hai nước chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật Bản, cán cân thương mại của Việt Nam trong tình trạng xuất siêu trong buôn bán với Nhật. Đối với Nhật Bản, tỉ lệ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường nước này đứng thứ 17, trong khi đó, tỉ lệ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Nhật đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Riêng với mặt hàng dệt may, mặc dù là nước có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai vào thị trường này nhưng Việt Nam bị Trung Quốc (nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất) bỏ xa về kim ngạch, chủ yếu do không thể cạnh tranh về giá và mức độ đa dạng về mẫu mã. Mặc dù xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Nhật Bản chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ. Song đối với Nhật Bản, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường này chỉ chiếm hơn 17%, một con số khá khiêm tốn so với giá trị ưu đãi miến thuế quan từ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản mang lại.

Nếu như chúng ta không tận dụng được lợi thế miễn thuế hải quan trong 10 năm từ hiệp định này mang lại thì trong tương lai, khi mà nhu cầu của thị trường ngày càng đòi hỏi cao, sức cạnh tranh lớn, hàng dệt may của chúng ta khó giữ được vị trí này. Một phần nguyên nhân cũng do đồng Yên nhật mất giá, xuất khẩu hàng dệt may cuối năm ngoái, đầu năm nay gặp nhiều khó khăn do đơn hàng ít, nguồn nguyên liệu không chủ động, chi phí đầu vào tăng cao. Hy vọng, chính sách hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính phủ chỉ có hiệu lực vào tháng 1/2014 sẽ giúp các doanh nghiệp nỗ lực hơn trong đẩy mạnh xuất khẩu.

Về mặt hàng thủy hải sản, hiện nay, Nhật Bản đang siết chặt kiểm soát về chất lượng một số mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản của Việt Nam. Ví dụ như cách thức bảo quản để tránh côn trùng xâm nhập vào hàng hóa Việt Nam vẫn chưa bảo đảm yêu cầu và hiện rất ít trái cây của nước ta nhận được giấy chứng nhận nhập khẩu của cơ quan chức năng Nhật Bản.

Ngoài ra, xuất khẩu tôm sang Nhật đang vấp phải rào cản thương mại, đặc biệt là dư lượng kháng sinh. Nắm bắt được những thông tin này, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần tập trung đảm bảo hàng hóa xuất khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nước sở tại. Theo đó, có thể áp dụng cách thức kiểm tra kết hợp với sự giúp đỡ của phía Nhật Bản về chất lượng thủy, hải sản ngay trong giai đoạn nuôi trồng...

Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng mạng lưới kinh doanh liên kết giữa các doanh nghiệp có khả năng tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp Nhật Bản là đầu ra phân phối các sản phẩm đó.

Một trong những lí do nữa khiến cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản vẫn chưa tương xướng với tiềm năng và chưa tận dụng được những lợi thế thương mại là do các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thiếu thông tin về đối tác. Đây chính là rào cản lớn nhất để hiệp hội các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động giao thương, nắm bắt thông tin về nhu cầu, xu hướng thị trường… Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu ở khâu tiếp cận thị trường nên trong thời gian tới, cần thiết lập hệ thống bán sản phẩm tại chính thị trường Nhật Bản. Tìm hiểu kỹ quy định trong Hiệp định để tận dụng tối đa lợi thế về ưu đãi thuế nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là những mặt hàng trong diện hưởng ưu đãi thuế quan.

Tóm lại, để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt thông tin và hiểu biết về tập quán kinh doanh của người Nhật. Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Nhật Bản, cũng như khai thác triệt để những ưu đãi do các Hiệp định song phương và đa phương mang lại. Bên cạnh đó, việc hiểu biết các quy định tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thực tế kiểm dịch tại Nhật Bản cũng sẽ giúp các doanh nghiệp cung cấp được sản phẩm ổn định chất lượng, hạn chế bị trả lại hàng và rút ngắn thời gian kiểm dịch.