Việt Nam chưa tận dụng hết cam kết FTA

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đã ký kết với Việt Nam mang lại nhiều lợi ích như mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, cải cách chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng và tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư…Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các cam kết FTA.

Việt Nam chưa tận dụng hết cam kết FTA
Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các cam kết FTA. Nguồn: internet
Chiều ngày 17/12, tại Hà Nội, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế đã tổ chức Hội nghị quán triệt và hướng dẫn triển khai chiến lược tham gia FTA đến năm 2020.

Xuất nhập khẩu tăng nhưng chưa tận dụng hết FTA

Đến cuối năm 2013, Việt Nam đã cùng ASEAN tham gia 6 FTA khu vực (AFTA, ACFTA, AKFTA, AJFTA, AANZFTA, AIFTA) và có 2 FTA song phương (VJEPA với Nhật Bản và FTA Việt Nam- Chile) với phạm vi tự do hóa khác nhau.

Với việc tham gia hội nhập ngày càng sâu và ký kết các hiệp định tự do trên, thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các đối tác đã có FTA đã tăng cao, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong đó 50% kim ngạch xuất khẩu và gần 70% kim ngạch nhập khẩu.

Như vậy, việc tham gia FTA đã góp phần mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2011 và 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng tương ứng 30,7% và 27%, sang Nhật bản là 39,5% và 25%, Trung Quốc là 52% và 17%, sang Hàn Quốc là 52,5% và 18%.

Cùng với chiều tăng xuất khẩu, nhập khẩu cũng có những diễn biến tăng trưởng nhanh hơn hẳn sau khi VN gia nhập WTO và ký kết các FTA. Việt Nam cũng đang đối mặt với áp lực trở thành “tiềm năng” xuất khẩu hàng hóa của các nước tham gia FTA. Nhiều năm qua, Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc, tiếp đó là ASEAN và Hàn Quốc.

Nếu như năm 2001, nhập siêu từ Trung Quốc chỉ là 210 triệu USD và đến năm 2012, kim ngạch nhập siêu đã lên đến 16 tỷ USD. Đối với Hàn Quốc, tốc độ tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Hàn Quốc cũng tăng từ mức trung bình 13,6% giai đoạn 2003- 2006 lên 21,8% giai đoạn 2007- 2010.

“Việc nhập khẩu tăng do một phần thực hiện cam kết mở cửa thị trường. Nhiều doanh nghiệp FDI chuyển sang nhập khẩu do không còn được hưởng thuế bảo hộ trong khi thị trường phân phối được mở cửa theo cam kết WTO.”- ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) lý giải.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Huy Sơn, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các cam kết FTA. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vốn đã hưởng mức thuế suất thấp hoặc 0% như nguyên liệu thô, nông sản và các mặt hàng máy móc, thiết bị, điện tử là đối tượng không được hưởng ưu đãi còn chiếm tỷ trọng thấp trong xuất khẩu của Việt Nam. Chi phí, thủ tục hành chính để xin cấp C/O còn phức tạp, mất thời gian.

Lộ trình cắt giảm thuế trong danh mục thông thường của Việt Nam và các đối tác trong FTA đã ký kết:

Khoảng 90% biểu thuế của các đối tác (danh mục thông thường) sẽ được loại bỏ trong vòng khoảng 3 năm sau khi hiệp định có hiệu lực.

Sau khi hoàn thành FTA trong thời gian từ 2015- 2018, xấp xỉ 98% biểu thuế của các nước đối tác được tự do hóa.

Việt Nam được hưởng lộ trình dài hơn 5 năm so với các đối tác và 6 nước ASEAN.

Ngoài ra, doanh nghiệp không cập nhật được hoặc không nắm được lộ trình xóa bỏ thuế quan trong các FTA. Một số nhà sản xuất, nhà xuất khẩu còn không nắm được các tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, công đoạn gia công chế biến cụ thể mà chỉ biết tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng truyền thống.

Cần khai thác hiệu quả FTA

Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán TPP, RCEP, FTA với EU, với Liên minh Thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan), các nước EFTA và Hàn Quốc. Vì vậy, theo ông Bùi Huy Sơn, bên cạnh việc khai thác hiệu quả FTA hiện có thì Việt Nam cũng cần rút kinh nghiệm cho các cuộc đàm phán hiện nay.

Tại Quyết định số 1051/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do đến năm 2020, quan điểm chung là chủ động tham gia các FTA đa phương và song phương một cách có chọn lọc góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh trong buổi gặp mặt các Thương vụ gần đây.

“Thời gian tới, cần chủ động xây dựng chiến lược và bước đi phù hợp trình Chính phủ để nâng tầm quan hệ thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và khai thác tối đa cơ hội thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ trọng điểm. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai đàm phán các hiệp định kinh tế - thương mại với một số đối tác hiện đang trong quá trình đàm phán được Chính phủ phân giao chủ trì; quan tâm đến đàm phán song phương để mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu. Trên bình diện khu vực, cần nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình hội nhập kinh tế khu vực đem lại”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.