Việt Nam đang tích cực hướng đến nhà máy điện hạt nhân đầu tiên

Lê Cường

(Tài chính) Điện hạt nhân đang là một nguồn năng chính trong tương lai thay thế cho nhiều nguồn điện truyền thống khác như nhiệt điện, thủy điện…Vì thế, nhiều năm qua, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để hướng đến nhà máy hạt nhân đầu tiên được xây dựng.

Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh internet
Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh internet

Lùi thời điểm khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

“Thời điểm khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vẫn đang trong quá trình xem xét và chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.Đó là thông tin được ông Phan Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đưa ra tại hội thảo về nội dung và kế hoạch tuyên truyền phát triển điện hạt nhân tại Lạng Sơn, hôm 13/3 vừa qua.

Trước đó, dự kiến ở Ninh Thuận sẽ được xây dựng 2 dự án điện nhân kế tiếp nhau: Ninh Thuận 1 sẽ hợp tác đầu tư xây dựng với công nghệ hạt nân của Liên Bang Nga và Ninh Thuận 2 sẽ được đầu tu xây dựng theo công nghệ hạt nhân của Nhật Bản.

Hai dự án xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 được Quốc hội phê duyệt vào 11/2009. Theo đó, hai dự án điện hạt nhân sẽ được khởi công vào cuối 2014 và hoàn thành vào năm 2020 với tổng công suất trên 4.000 MW.

Tuy vậy, việc lùi lại việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân nhằm có được thời gian chuẩn bị kĩ càng, những bước đi thận trọng nhất trong việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Tích cực chuẩn bị để tiến đến “ giờ G”

Mặc dù về thời gian đang được lùi lại để hoàn thiện các khâu chuẩn bị nhưng các cấp Bộ, Ngành, từ Trung ương đến địa phương đang ráo riết, gấp rút chuẩn bị cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ để tiên hành khởi công xây dựng.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về Đề án Cơ chế hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội tỉnh Ninh Thuận nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân.

Để thực hiện hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu vốn các dự án cấp thiết trên địa bàn tỉnh có nhu cầu bổ sung vốn trong năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/3/2015.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án trong tháng 5/2015, trong đó bổ sung các dự án hạ tầng kinh tế xã hội được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, kế hoạch thực hiện dự án Điện hạt nhân...

Về nguồn nhân lực sau này cho các nhà máy hạt nhân, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo đại học và trên đại học, nhất là các nghề liên quan đến xây dựng, quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân đối với học sinh, sinh viên Ninh Thuận.

Trước đây Việt Nam đã được Nga giúp về việc đào tạo nhân sự cho ngành công nghiệp hạt nhân của Việt Nam. Việt Nam vốn có một nguồn nhân sự dồi dào trong các lĩnh vực vật lý, toán học và cơ khí được đào tạo trong nước. Kể từ năm 2010, các sinh viên Việt Nam đã học tập tại Trường Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPHI), tới nay đã có hơn 300 sinh viên Việt Nam tại MEPHI và các trường đại học khác của Rosatom. Trong 2 năm qua đã có hơn 170 chuyên viên Việt Nam tập huấn nghiệp vụ thực tiễn tại công trường nhà máy điện hạt nhân Rostov, Nga. Trên 50 chuyên viên khác được đào tạo về an toàn hạt nhân, kế hoạch nhân sự và các mảng khác nhau trong vận hành cơ sở hạ tầng hạt nhân.

Về đào tạo nguồn nhân lực trong nước cho các nhà máy điện hạt nhân, một thông báo mới đây của Văn phòng Chính phủ sẽ giao 3 trường đại học tập trung đào tạo chuyên sâu lĩnh vực năng lượng nguyên tử là Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Đà Lạt. Các trường đại học khác sẽ tổ chức tuyển sinh, đào tạo theo các chuyên ngành đã được phân công theo quy hoạch đề án 1558 trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010.

Đặc biệt, nhiều hội thảo đã được diễn ra với sự tham dự có các vị khách quốc tế đến từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản. Ở trong nước, ngoài vị Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, có mặt các các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ Ban chỉ đạo nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Tổng Cục năng lượng của Bộ Công thương, nhiều tổng cục, cục và hội, các viện khoa học chuyên ngành liên quan…

Mọi công tác chuẩn bị đang gấp rút hoàn thành, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam đang chờ đến “ giờ G” để nhấn nút.