Việt Nam - điểm dừng chân lý tưởng của ngành sản xuất toàn cầu

L. Trang

Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ngày càng chứng minh được tầm quan trọng của khu vực này trong lĩnh vực sản xuất trên thế giới khi tiếp tục thống trị hơn một nửa bảng xếp hạng “Điểm dừng chân cho các nhà sản xuất năm 2015” do Công ty Tư vấn Bất động sản Cushman & Wakefield vừa công bố, dù rằng vẫn còn một số quốc gia đang tiềm ẩn nhiều biến động.

Cơ hội cho lĩnh vực bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng

Việt Nam tiếp tục phát triển và trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho ngành sản xuất sau khi nhảy một bậc (so năm 2014) để leo vị trí đứng đầu bảng xếp hạng “Chỉ số phát triển của các quốc gia mới nổi trong ngành sản xuất” (Growth Index). Tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam tiếp tục đem lại nhiều cơ hội cho những nhà bán lẻ và các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới tính theo sản lượng, có giá lao động ngày càng tăng cao khiến cho năng lực cạnh tranh giảm mạnh và kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Điều này không chỉ tăng sức hấp dẫn của các quốc gia có giá lao động rẻ như Malaysia và Việt Nam, mà còn dẫn đến viễn cảnh các nhà sản xuất xem xét việc đưa các nhà máy sản xuất quay trở lại châu Âu.

Malaysia hiện vẫn giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng năm 2015 của Cushman & Wakefield. Báo cáo của Cushman & Wakefield cho thấy quốc gia này đang được hưởng lợi từ chính môi trường kinh doanh giá rẻ, thu hút các nhà sản xuất. Kết quả này đồng thời củng cố ưu thế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn đã mạnh khi có tới 7 nước trong khu vực giành được vị trí trong top 10 trong bảng xếp hạng chính.

Việt Nam - điểm dừng chân lý tưởng của ngành sản xuất toàn cầu - Ảnh 1

Đánh giá về sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam, ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết: “Bảng xếp hạng thể hiện rõ lợi thế của Việt Nam xét trên phương diện chi phí cạnh tranh. Việt Nam đã bắt đầu được hưởng lợi từ việc chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng tăng. Hiện nay, vốn đầu tư nước ngoài cho ngành sản xuất và chế biến tại Việt Nam tăng gấp đôi kể từ năm 2012 đến năm 2014, đạt 11 tỉ USD, tương đương 71% tổng số vốn FDI đăng kí".

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong tương lai, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ không chỉ làm tăng tính cạnh tranh khi các loại thuế được giảm mà còn đưa ra được các tiêu chuẩn giúp cải thiện việc đánh giá chuỗi cung ứng, tạo ra khuôn khổ tốt hơn cho các vấn đề như sở hữu trí tuệ và nguồn nhân lực, làm tăng sức hấp dẫn cho Việt Nam.

Xu hướng “rút về thị trường xuất phát”

Theo Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield, hiện ngày càng nhiều các Công ty sản xuất lớn xem xét việc đưa trụ sở và các cơ sở về lại châu Âu do chi phí hoạt động toàn cầu tăng.

Richard Middleton, người đứng đầu dịch vụ đại diện khách thuê Cushman & Wakefield khu vực EMEA & châu Á - Thái Bình Dương nhận xét: “Nhìn rộng hơn, vẫn còn một số biến động có thể thấy được. Trung Quốc vẫn dẫn đầu thế giới về sản lượng sản xuất và đang hưởng lợi ích từ quy mô của thị trường sản xuất trực tiếp nhưng vấn đề chi phí lao động tăng cao đã khiến một số tập đoàn sản xuất phải thay đổi chiến lược sản xuất – kinh doanh”.

Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Malaysia và Việt Nam mà còn tạo ra xu hướng “rút về thị thường xuất phát” khi một số các nhà sản xuất đưa nhà máy & trang thiết bị quay trở lại châu Âu. Tất nhiên, xu hướng này sẽ giúp một số nước châu Âu, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ - nơi có vị trí ngay điểm giao giữa châu Âu, châu Á, Nga và châu Phi khôi phục lại vị trí trong thị trường sản xuất thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang dẫn đầu và đã nhảy lên 3 bậc để giành vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng “Các quốc gia dẫn đầu về sản lượng sản xuất”.

Sau giai đoạn không mấy thành công của ngành sản xuất tại Mỹ, nhiều người cho rằng thị trường này đã rơi vào tình trạng xuống dốc không phanh. Tuy nhiên, xu hướng “rút về thị trường xuất phát ” của các nhà sản xuất và sự phát triển mạnh của ngành năng lượng đã dẫn đến việc Mỹ giành được vị trí thứ 4 (lên 5 bậc kể từ năm 2014).

Mark Wanic, người đứng đầu dịch vụ đại diện khách thuê tại châu Mỹ của Cushman & Wakefield cho biết: “Ngành sản xuất đang thật sự quay trở lại với nước Mỹ khi mà nhu cầu toàn cầu có vẻ như đã rẽ hướng khác. Giá cả thấp, yếu tố đã từng góp phần khiến các nhà sản xuất “rời thị trường xuất phát” và đến với các thị trường rẻ hơn giờ đã giảm sức ảnh hưởng, và nước Mỹ đang giành lại được tính cạnh tranh. Với năng lực cạnh tranh cao về mặt giá cả và tình hình an ninh tốt, nước Mỹ đang được thêm vào danh sách điểm đến cho ngành sản xuất. Thêm vào đó, việc quản lý tốt chuỗi cung ứng cũng đang góp phần tạo ra kết quả khả quan hơn cho nước Mỹ, minh chứng chính là vị trí mới nhất của nước này trong bảng xếp hạng trên.”