Việt Nam - Điểm sáng thu hút đầu tư trong khu vực và quốc tế

PV.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang là một điểm sáng thu hút đầu tư trong khu vực và quốc tế. Điển hình là Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc và đạt được những kết quả quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là một nhân tố quan trọng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Bởi theo đánh giá của các doanh nghiệp FDI thì môi trường kinh doanh ổn định là một tiền đề không thể thiếu để quyết định đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Doanh nghiệp kỳ vọng nhiều quyết sách cải thiện môi trường kinh doanh

Mới đây, Chính phủ đã ban Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, Nghị quyết 35/NQ-CP đưa ra 10 nguyên tắc. Trong đó, có các nguyên tắc nổi bật như: Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật. Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Bằng quyết sách mạnh mẽ này, Chính phủ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thực sự lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp, thực sự muốn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thực sự muốn tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nghị quyết 35/NQ-CP nêu 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp rất cụ thể là: 1) Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; 2) Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; 3) Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; 4) Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; 5) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Nền kinh tế có không ít bước chuyển biến tích cực, rõ nét nhất là ở công tác điều hành kinh tế. Chính phủ đã đưa ra một loạt các thông điệp, với tư tưởng chung là tạo lập môi trường chính sách dễ tiên liệu hơn, khuyến khích và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân được tái khẳng định qua cách thức, hành động xử lý nhanh chóng những vụ việc cụ thể.

Những chuyển biến này “đánh trúng” kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh đà cải cách môi trường kinh doanh được tái lập từ năm 2014 với những sửa đổi ở Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Đây chính là nền tảng để kỳ vọng về khả năng tái lập tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn trong những năm tới.

Cơ hội thu hút FDI trong khối TPP

Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến ngày 20/4/4026, cả nước đã thu hút được 697 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 5,082 tỷ USD, tăng 55,6% về số dự án và tăng 89,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, có 314 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 1,8 tỷ USD.

Như vậy, tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, đạt gần 6,887 triệu USD, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Cùng xu hướng tích cực đó, vốn FDI thực hiện 4 tháng đầu năm ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo GS.TS Nguyễn Mại, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đánh giá tích cực về triển vọng phát triển kinh tế và môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, chúng ta ngày càng tăng cường được các lợi thế cạnh tranh để trở thành trung tâm xuất khẩu của thế giới, thu hút nhiều dòng chảy vốn FDI.

Riêng tại khu vực châu Á, xu hướng mới của FDI vẫn là chuyển dịch từ Trung Quốc (hiện đứng đầu thế giới về thu hút FDI) sang các nước khác. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được nhiều tập đoàn đa quốc gia lựa chọn là phương án số 1 để rót vốn đầu tư. Dự báo về thu hút FDI trong năm 2016, có khả năng sẽ cao hơn năm 2015 khoảng 3 - 4 tỷ USD.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến cuối năm 2015, đã có 8 nước ASEAN bao gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines, Lào và Campuchia đầu tư FDI vào Việt Nam. Các nhà đầu tư ASEAN đã đầu tư vào 18/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, với trên 2.700 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký 56,85 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc AEC được thành lập vào đầu năm 2016, với các hiệp định chung về điều chỉnh đầu tư (Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN - ACIA), thương mại (Hiệp định Thương mại hóa ASEAN - ATIGA) và dịch vụ (Hiệp định Khung ASEAN về dịch vụ - AFAS), sẽ làm tăng sức hấp dẫn của khu vực này trong thu hút đầu tư.

Hơn nữa, so với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn là quốc gia có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nhờ nền tảng chính trị ổn định, hạ tầng giao thông, chính sách thu hút đầu tư được cải thiện mạnh mẽ. Chính phủ Việt Nam liên tục đưa ra cam kết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong và ngoài nước hoạt động.

Chuyên gia kinh tế trưởng Shang-Jin Wei của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với làn sóng cạnh tranh trực tiếp từ một số thanh viên TPP về chi phí sản xuất thấp. Trong đó, luồng vốn đầu tư FDI vào những ngành công nghiệp sử dụng lao động chi phí thấp như dệt may và giày dép sẽ bắt đầu chuyển hướng sang thị trường Việt Nam.

Đặc biệt là, TPP là một hiệp định kiểu mẫu của thế kỷ 21, với mức độ sâu hơn, rộng hơn WTO về các lĩnh vực cắt giảm các dòng thuế; tăng cường quy định liên quan đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường minh bạch trong cạnh tranh; các vấn đề về lao động…

Do đó, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Từ đó kéo theo dòng vốn đầu tư vào Việt Nam của các nước trong khối TPP và cả các nước ngoài khối. Các nhà đầu tư ngoài khối TPP sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi ưu đãi thuế quan.