Việt Nam đứng thứ 4/149 về năng lực chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức

Theo tapchithue.com.vn

Thông tin này vừa được Công ty tư vấn quản lý Bostom Consulting Group (BCG) công bố trong báo cáo đánh giá phát triển kinh tế bền vững (SEDA) ngày 22/3 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Báo cáo cho biết, dù thu nhập bình quân đầu người tính theo chỉ số sức mua tương đương (hiện 1 USD ở Việt Nam có sức mua tương đương 2,5 ở Mỹ) chỉ đạt 5.200 USD, nhưng Việt Nam lại thuộc nhóm các quốc gia phát triển ổn định, có khả năng đạt chất lượng sống của người dân bằng với các quốc gia có GDP tính theo đầu người trung bình là 10.000 USD. Cũng theo báo cáo này, Việt Nam đã đạt kết quả ở mức trên trung bình và trở thành quốc gia đứng thứ 4/149 nước về khả năng chuyển đổi sự phát triển kinh tế thành những nỗ lực cải thiện chất lượng sống cho người dân.

Kết quả này một lần nữa cho thấy, mặc dù phải nỗ lực trong điều kiện còn hạn chế, nhưng Việt Nam đã có được thành công đáng ghi nhận khi so sánh với các quốc gia có thu nhập cao hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa nếu xem xét đến đà tăng trưởng kinh tế khá cao khoảng 7,1% mỗi năm trong giai đoạn 2006-2013, ông Chris Malone, chuyên gia tư vấn phát triển tại Việt Nam của BCG cho biết.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, một số thách thức có thể sẽ cản trở Việt Nam đạt được những mục tiêu đề ra. Theo đó, báo cáo đã so sánh kết quả phát triển của Việt Nam với Indonesia, Malaysia, Phillipines và Thái Lan. Với điểm SEDA hiện tại thấp hơn điểm trung bình (45,2 điểm) của ASEAN, đồng thời phải đối mặt với một số thách thức về cơ sở hạ tầng và quản tri nhà nước, chỉ có lao động- việc làm là ngang với ASEAN 4. Điều này có nghĩa, Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với những vẫn đề nghiêm trọng về thị trường lao động, trong đó có vấn đề thất nghiệp của lao động trẻ.

Do đó, để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế tri thức hiện đại, báo cáo khuyến nghị, có ba lĩnh vực chính mà Việt Nam cần giải quyết, đó là: lao động - việc làm, cơ sở hạ tầng, lĩnh vực dịch vụ công và quản trị nhà nước. Trong đó, cải thiện lực lượng lao động là một trong những vấn đề quan trọng nhất.