Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài

Theo VNMedia

Trong 20 năm qua, Trung Quốc là nước tiếp nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất trong số các nước đang phát triển. Nhưng với chi phí ngày càng tăng, nhiều công ty đa quốc gia đang tìm kiếm mở rộng sản xuất sang các nước khác. Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam chính là những nước sẽ hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển này do nguồn lao động dồi dào và thị trường nội địa phát triển mạnh.

Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây là những nội dung chính trong báo cáo phân tích với tiêu đề “Cuộc dịch chuyển vĩ đại: FDI đã chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á và Ấn Độ như thế nào?” của khối nghiên cứu kinh tế thuộc ngân hàng HSBC công bố ngày 10/1.

Theo báo cáo, Việt Nam là nước lớn thứ hai về thu hút vốn FDI tại Đông Nam Á sau Singapore, nếu tính tỷ lệ theo GDP. Thành quả này có được là do Việt Nam có nguồn lao động giá rẻ nhất trong số các nước Đông Nam Á và môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn so với Ấn Độ, Philippines, Indonesia, mặc dù Việt Nam còn thua đáng kể so với Thái Lan và Malaysia.

FDI khi được sử dụng một cách chính xác sẽ giúp một quốc gia trở thành căn cứ công nghiệp thông qua việc thúc đẩy việc làm, kích thích năng lực sản xuất và hoạt động xuất khẩu. FDI đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Trung Quốc từ một quốc gia nông thôn nghèo tụt hậu tiến lên thành một cường quốc kinh tế. Nhưng hiện nay, các nước châu Á khác có cơ hội thu hút dòng vốn FDI ngày một nhiều hơn khi chi phí tăng và Bắc Kinh ưu tiên khuyến khích tiêu dùng trong nước hơn xuất khẩu.

Trong khi Trung Quốc là quốc gia thu hút dòng vốn FDI lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2012 thì dòng chảy này đã suy giảm 11 tháng trong 12 tháng qua. Suy thoái toàn cầu là một phần lý do để giải thích sự sụt giảm này và một lý do nữa là sự chuyển dịch dòng vốn ra khỏi Trung Quốc.

Các công ty quốc tế, đa phần là các nhà sản xuất sử dụng nhiều lao động đang tìm cách mở rộng đầu tư ở những nước khác. Những nước mạnh về nguồn lực lao động và có thị trường nội địa năng động sẽ được hưởng lợi trong trường hợp này nhất. Ví dụ: Sản xuất hàng dệt may chảy vào Trung Quốc đã giảm 18,9% từ tháng 1 đến tháng 9. Trong khi đó, dòng vốn FDI cho ngành sản xuất vào Indonesia và Thái Lan tăng tương ứng 66% và 43%

Tuy nhiên, đây không phải là một quá trình dễ dàng. Mạng lưới đường bộ và đường sắt nghèo nàn có thể làm nản lòng các nhà  đầu tư nước ngoài cũng tự như những hạn chế đầy khó khăn về FDI ở Ấn Độ và Philippines. Nhưng nhiều cải cách đang diễn ra, đặc biệt là ở Ấn Độ.

Riêng Indonesia và Việt Nam được đánh giá sẽ được tận dụng lợi thế tốt hơn khi các nhà sản xuất hàng giá trị  thấp đang tìm những nước có lực lượng lao động giá rẻ và thị trường tiêu dùng lớn.

Việt Nam có nhiều lợi thế

Trước khủng hoảng tài chính châu Á, dòng vốn vào ASEAN rất lớn, chiếm khoảng 8% tổng nguồn vốn lưu chuyển trên thế giới. Trong 5 năm sau khủng hoảng, dòng vốn này giảm khoảng 2% trên tổng vốn lưu chuyển trên thế giới. Nhưng trong hai năm vừa rồi, các nhà đầu tư đã quay lại ASEAN bởi cả hai lý do: tiềm năng tăng trưởng và lợi thế chi phí rẻ. Kết quả là dòng vốn vào ASEAN đã ngang ngửa với phần vốn vào Trung Quốc, 7,6% so với 8,1%. Với sự tăng trưởng nhân khẩu học tương đối tốt hơn, phần vốn FDI vào ASEAN sẽ có khả năng tăng lên trong thập kỷ tới.

Gần đây, phần lớn đầu tư từ Nhật Bản đã chuyển tới các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam để đa dạng hóa rủi ro từ Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa sâu sắc đối với các nước này nếu họ thực hiện chính sách để tận dụng lợi ích từ sự dịch chuyển.

Và không chỉ Nhật Bản, các công ty từ nhiều nước khác cũng góp phần vào trào lưu dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Ấn Độ là một điểm đến hàng đầu khi sở hữu lực lượng dân số cùng kích cỡ. Tuy nhiên môi trường kinh doanh phức tạp, chính sách FDI hạn chế, cơ sở hạ tầng nghèo nàn có thể làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này khiến các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam, mặc dù không có dân số tương tự, nhưng vẫn tiếp tục mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư vì họ cũng có những lợi thế riêng.

Philippines và Việt Nam là hai nước có lực lượng lao động lớn và thị trường đủ lớn để duy trì nhu cầu nội địa mạnh mẽ. Trong bảy năm, dân số Philippines sẽ tăng lên 110 triệu người từ con số 96 triệu năm 2012. Mặc dù Việt Nam có một dân số nhỏ hơn (89 triệu), nhưng nguồn cung lao động mạnh mẽ và rẻ ở khu vực nông thôn (khoảng 70% dân số sống ở nông thôn) cho thấy Việt Nam có lợi thế về sản xuất cần nhiều lao động.

Theo HSBC, Việt Nam có một mô hình đặt trọng tâm xuất khẩu tương tự với Trung Quốc. Việt Nam đặt mục tiêu thu hút FDI trong lĩnh vực sản xuất thông qua chính sách và các ưu đãi một cách mạnh mẽ hơn Philippines nhiều. Trong khi tiềm năng về kích cỡ thị trường nhỏ hơn, Việt Nam cũng sẽ gia nhập câu lạc bộ 100 triệu vào giữa các năm 2020.

Với việc Chính phủ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô hơn là tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam sẽ có nhiều tiến bộ mới. Trong thập kỷ tới, khi chi phí sản xuất tăng lên ở Trung Quốc và Thái Lan, Việt Nam có thể được định vị để lắp đầy khoảng trống và di chuyển lên cao trong chuỗi giá trị.