Việt Nam làm gì để tận dụng cơ hội từ CPTPP?

Bùi Dương

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xây dựng sau một quá trình đàm phán giữa 11 thành viên đã giúp thỏa thuận này hồi sinh với phiên bản mới của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chia đều cơ hội và thách thức

CPTPP là hiệp định thương mại tự do đa phương quy mô lớn. CPTPP là bước đột phá cho thương mại tự do giữa các nước thành viên. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài, Việt Nam vẫn sẽ là nước nhận được nhiều lợi ích khi CPTPP được thực thi. Song, để tận dụng được cơ hội, đòi hỏi Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn.

CPTPP cũng sẽ tạo ra sức ép thúc đẩy các cải cách mạnh về thể chế kinh tế trong nước, theo các tiêu chuẩn cao về đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công… đã nêu trong các cam kết. Theo đó, với các cam kết về đầu tư, mở cửa các thị trường dịch vụ mạnh hơn, CPTPP dự kiến thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời cũng giúp cho cạnh tranh trong nhiều thị trường dịch vụ, đặc biệt trong các dịch vụ phục vụ sản xuất, hứa hẹn mang lại chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn cho người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.

Theo một nghiên cứu của các chuyên gia Nhật Bản công bố hồi tháng 8/2017, nếu chỉ xét từ góc độ thương mại hàng hóa, TPP dự kiến sẽ giúp GDP Việt Nam tăng 17,7%; CPTPP vẫn sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 10,39%, nhưng chủ yếu là nhờ vào việc các đối tác loại bỏ hàng rào phi thuế quan.

Yêu cầu cấp thiết về cải cách thể chế và chính sách hội nhập

CPTPP sẽ mang lại cơ hội, đồng thời tác động toàn diện đến kinh tế, chính trị, đối ngoại của Việt Nam. Song để đảm bảo CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam thì Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện chính sách hội nhập. Bên cạnh giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan, Chính phủ cũng tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của CPTPP.

Ngoài ra, Chính phủ cam kết tiếp tục xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, để CPTPP sớm đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế, cần phải xây dựng một chiến lược về công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về Hiệp định cũng như chương trình hành động, xác định rõ nhiệm vụ của từng bộ phận để có sự tham gia, mang tính chủ động.

Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tận dụng những cơ hội từ CPTPP mang lại bởi đây là yếu tố là then chốt cho sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo đó, bên cạnh tìm hiểu thông tin, chuẩn bị một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, mỗi doanh nghiệp cần tập trung đổi mới, sáng tạo và nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín về thương hiệu và chất lượng sản phẩm để có chiến lược làm ăn dài hạn trong tương lai.

Như vậy, việc quan trọng là làm thế nào để Việt Nam tận dụng các cơ hội từ CPTPP. Thách thức đặt ra trước hết là với cơ quan Nhà nước và với các doanh nghiệp, trong việc hiểu các cam kết thể chế rất phức tạp này, tìm được trong đó các xu hướng chính sách có lợi cho mình. Sau đó là phải liên kết với nhau, cùng với các hiệp hội doanh nghiệp để vận động và tham gia vào quá trình rà soát và điều chỉnh pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền thực thi cam kết CPTPP.

Hy vọng với việc CPTPP được các nước thành viên triển khai ký kết và có hiệu lực trong thời gian tới, các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước của Việt Nam sẽ tranh thủ thời gian vàng sắp tới để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho Hiệp định quan trọng này.