Việt Nam - Lựa chọn dài hạn của nhà đầu tư

Theo Nguyễn Ngọc/daibieunhandan.vn

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn rót vốn vào những doanh nghiệp đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn nhằm hiện thực hóa mục tiêu đầu tư lâu dài vào Việt Nam. Nhận định này được ông Seck Yee Chung, đại diện Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie nêu trong hội thảo Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức sáng 19/12 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Internet
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Internet

Xu hướng và triển vọng M&A tại Việt Nam...

Với lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, dân số trẻ, tài nguyên thiên nhiên phong phú, chính trị ổn định, hội nhập kinh tế quốc tế… Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong số các thị trường mới nổi, vượt qua cả Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển công thương, Cục Xúc tiến thương mại Trần Kim Oanh cho biết.

Năm 2017, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đạt khoảng 25,5 tỷ USD, tăng 34,3% so với năm ngoái và có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án trong 18 lĩnh vực ở Việt Nam, trị giá 25,5 tỷ USD. Các ngành chế tạo và chế biến tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất.

Nhận định về xu hướng và triển vọng M&A tại Việt Nam, ông Seck Yee Chung, đại diện Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie cho rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang lựa chọn rót vốn vào những doanh nghiệp đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn nhằm hiện thực hóa mục tiêu đầu tư dài hạn vào Việt Nam.

Trong đó, các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đang đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất…

Tuy nhiên, khu vực được đánh giá có nhiều nhà đầu tư lớn là Bắc Mỹ và châu Âu lại chưa có nhiều thương vụ, chủ yếu là một số thương vụ lớn trong lĩnh vực dầu khí và hàng tiêu dùng. Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến đầu tư quốc tế, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, ông Seck Yee Chung gợi ý.

Trong những năm qua, thị trường M&A Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng, bất động sản, công nghiệp… có yếu tố nước ngoài như: Tập đoàn SCG và Công ty Vật liệu xây dựng Việt Nam, Tập đoàn CJ và Công ty Cầu Tre, Công ty Deasang và Công ty Thực phẩm Đức Việt…

Đặc biệt, mới đây nhất, chiều 18/12, Công ty ThaiBev thông qua Vietnam Beverge đã mua lại 343,66 triệu cổ phần Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ. Phó Tổng Giám đốc Công ty AVM Việt Nam Nguyễn Quốc Việt cho rằng, điều này thể hiện sự chủ động tìm kiếm cơ hội của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, cũng như việc thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư thông qua hình thức M&A trong các lĩnh vực.

... và cơ hội bứt phá

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phát triển công thương Trần Kim Oanh cho biết, Việt Nam là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo trên thế giới, bên cạnh đó chè, điều, thủy sản cũng nổi lên là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Tuy nhiên xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm phần lớn.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm có mức tiêu thụ trong nước hàng năm là 30 tỷ USD và được dự báo tăng trưởng đều đặn hơn 18%/năm trong giai đoạn 2014 - 2019. Với dân số hơn 93 triệu dân, Việt Nam đang có xu hướng thay đổi phương thức tiêu dùng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm mở ra cơ hội lớn trong việc dành sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài qua hình thức M&A.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch điện năm 2020 sẽ đưa vào vận hành thêm 5.000MW mỗi năm, xây dựng nhiều công trình điện, phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo như gió và mặt trời giai đoạn đến năm 2025…

Lĩnh vực dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD, tăng 14,5%/năm, nhất là xuất khẩu giày dép đạt trên 10 tỷ USD, tăng 9%/năm. Lĩnh vực nguyên vật liệu xây dựng với nhu cầu xây dựng tăng từ 7 - 10%. Đây cũng được coi là những lĩnh vực công nghiệp tiềm năng thu hút đầu tư thông qua M&A.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp Việt Nam tính chung 11 tháng năm 2017 đã tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian qua, công nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với chỉ số sản xuất toàn ngành có mức tăng trung bình trên 7%/năm kể từ năm 2012.

Trong đó, có những ngành được đánh giá tăng trưởng vượt bậc trong năm 2016, phải kể đến như sản xuất kim loại tăng 17,9%, sản xuất xe có động cơ tăng 16,4%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 12,8%.

Nếu xét về mặt hàng, một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số công nghiệp tăng cao gồm tivi, thép cán, ô tô, sắt thép thô, thức ăn gia súc, sữa bột. Từ những số liệu này, nhiều ý kiến tại hội thảo nhận định, công nghiệp Việt Nam đang trong đà phát triển mạnh mẽ.

Nếu có sự đầu tư và hợp tác từ những doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, khả năng quản lý chuyên nghiệp và tiềm năng vốn lớn, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá và phát triển hơn nữa.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, nguồn vốn trong nước cũng đang dần khẳng định vị thế trên thị trường M&A với số lượng thương vụ M&A của các doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu xây dựng chiến lược dài hạn, trong đó M&A đã trở thành công cụ quan trọng để thực hiện chiến lược đó.

Mặt khác, các quỹ đầu tư trong nước cũng đang tăng trưởng cả về chất lượng và quy mô, giúp thúc đẩy số lượng và giá trị các thương vụ M&A trong nội bộ doanh nghiệp Việt Nam. “Với lợi thế am hiểu thị trường nội địa, công tác xúc tiến đầu tư thông qua hình thức M&A trong thời gian tới sẽ cần chú trọng hơn nữa tới các doanh nghiệp có tiềm năng trong nước”, ông Phú nói.