Việt Nam phải cẩn trọng với nguy cơ tăng trưởng vốn nóng

Theo Phan Anh – Thiên Chương VnExpress

Phân bổ vốn thế giới vào châu Á là 7% trong khi khu vực này chỉ chiếm 20-25% sản lượng toàn cầu; cho thấy dấu hiệu tình trạng vốn tăng nóng.

Làn sóng đồng vốn thế giới đổ vào châu Á từ 10-18 tháng qua ngày càng rõ hơn.

Giám đốc điều hành, đồng chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Châu Á, Ngân hàng HongKong - Thượng Hải Frederic Neumann nêu sự lo ngại của một số nhà kinh tế về nguy cơ tăng trưởng nóng dòng vốn nước ngoài vào Châu Á, trong đó có Việt Nam, trong bối cảnh khu vực phía Đông dẫn đầu toàn cầu thoát ra khỏi suy thoái kinh tế.

Khẳng định Việt Nam đang đi theo lộ trình chính sách quản lý tiền tệ, và thị trường cổ phiếu Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh; song Giám đốc điều hành VTB Bank (Nga) Andrei Kostin vẫn nhấn mạnh việc TP HCM muốn trở thành một trung tâm tài chính là tham vọng; nhưng khó có thể phát triển kịp mức độ của một số quốc gia khác.

Thách thức của thị trường tài chính Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung trong giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế, theo ông Naoyuki Shinohara, Phó giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), là phải thiết kế tốc độ phù hợp để mở rộng kinh tế vĩ mô. Mỗi quốc gia có quá trình hồi phục kinh tế riêng, ở mỗi giai đoạn khác nhau nên quy mô, ngân sách chi cũng khác nhau.

“Chính phủ các nước Châu Á không cần phải bổ sung thêm gói kích cầu kinh tế trong giai đoạn hiện nay, nhưng có thể sẽ phải thắt chặt ngân sách”, ông Shinohara nói. Phó giám đốc điều hành IMF dự đoán có thể từ năm sau, một số quốc gia bắt đầu thắt chặt ngân sách khoảng 1% GDP.

Song ông lo ngại đa số nền kinh tế mới nổi sử dụng chính sách tài chính để thu hút nhiều vốn có thể dẫn đến tăng trưởng nóng nguồn vốn. “Đây là giai đoạn đổi chiều của các dòng vốn, những biến động dòng chảy ra vào của vốn sẽ tăng cao”, ông Naoyuki Shinohara khuyến cáo.

Phân tích về khả năng thắt chặt ngân sách của một số Chính phủ giai đoạn hậu khủng hoảng, Yuri Soloviev, Giám đốc điều hành toàn cầu, Trưởng bộ phận đầu tư doanh nghiệp VTB Group, cho rằng, kinh nghiệm vài nước Châu Âu thắt chặt ngân sách đi liền với sai lầm chính sách khi khu vực tư nhân giải nợ, áp lực tài chính lập tức xảy ra. Ông nói: “Thắt chặt chính sách về vốn có thể dẫn đến áp lực giảm phát”.

Nguy cơ bong bóng nguồn vốn, bong bóng tăng trưởng cũng được nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ trong thảo luận về điều chỉnh kinh tế và tái cân bằng bắt buộc, diễn ra ở khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, hôm 6/6.

Michael Drexler, Giám đốc điều hành Barclays, thành viên Hội đồng chương trình hành động toàn cầu về các dòng đầu tư tư vấn, trấn an, các nhà hoạch định chính sách không cần lo lắng về nguy cơ tăng trưởng nóng nếu những dòng vốn chảy đến cùng lúc và nhanh chóng. “Ở Việt Nam đã từng có dấu hiệu của tình trạng bong bóng vốn ‘pha loãng’, nhưng sau đó những chính sách tiền tệ kịp thời của Chính phủ giúp giải quyết tình trạng này”, ông Micheal Drexler giải thích.

Theo Micheal Drexler, để kiểm soát thị trường, các nhà hoạch định chính sách cần kiểm soát chặt vốn cho thị trường bất động sản, chú trọng các nguồn vốn địa phương, bình ổn thị trường trái phiếu.

Don Lam, Giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital đưa ra 3 thách thức của Việt Nam hiện nay, mà ông gọi là 3F. Đó là thực phẩm và năng lượng (Food + Fuel); dòng vốn (FS) tức làm sao để thu hút được ngoại hối và đảm bảo tỷ giá hối đoái ổn định; vấn đề vay vốn và lãi suất (Fund). Lãi suất cho vay quá cao khiến doanh nhân không còn cơ hội kinh doanh có lãi.

Theo ông Don Lam, thị trường vốn Việt Nam còn mới, không lớn lắm nhưng phát triển nhanh. Trong đó thị trường cổ phiếu chứng khoán có tốc độ phát triển cao nhất trong khu vực. “Thị trường vốn Việt Nam đang phát triển tích cực, thách thức hiện nay là cần có thêm nhiều doanh nghiệp nhà nước niêm yết để tăng quy mô thị trường”, ông nhận định.

Giám đốc Văn phòng đại diện Unison Capital (Nhật) John Ehara dự báo: “40 năm tới là kỷ nguyên của Châu Á, trong đó có Trung Quốc; và thập niên này là thập niên khu vực Châu Á”. Song rút kinh nghiệm nền kinh tế Nhật thời kỳ cuối thập niên 80, sau ngày thứ 2 đen tối năm 1987 thị trường cổ phiếu toàn cầu sụp đổ; ông John Ehara cho rằng các quốc gia Châu Á không nên quá tự tin mà lúc nào cũng phải đề phòng rủi ro.

Theo ông, nếu 5-10 năm trước đầu tư vào Châu Á mang lại giá trị tăng trưởng lớn, thì hiện nay vẫn có nhiều cơ hội lớn nhưng rủi ro cũng cao. “Nhà đầu tư đang trả giá rất cao với mức định giá cổ phiếu hiện nay nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khu vực này sẽ trải qua thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng, nhưng nhà đầu tư phải xác định nên mua cổ phiếu với mức giá nào”, John Ehara nhấn mạnh.