Việt Nam rộng mở với năng lượng điện hạt nhân

LH

(Tài chính) Nếu chúng ta không sản xuất điện theo hướng sử dụng năng lượng sạch mà cứ dùng năng lượng truyền thống (than đá, thủy điện, dầu mỏ) thì mối nguy không chỉ từ việc cạn kiệt nguồn năng lượng này mà còn là lượng ô nhiễm thải ra môi trường vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và sinh thái, hậu họa khó lường và con cháu chúng ta là người phải hứng chịu.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân dự kiến xây dựng tại Ninh Thuận. Ảnh: Đức Tuyền
Mô hình nhà máy điện hạt nhân dự kiến xây dựng tại Ninh Thuận. Ảnh: Đức Tuyền

Việt Nam là một nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi theo với nó là việc phát triển mạnh mẽ các ngành nghề sản xuất trong nước và gia công cho nước ngoài. Năng lượng chi phí cho công cuộc này là vô cùng lớn. Nếu chúng ta không sản xuất điện theo hướng sử dụng năng lượng sạch mà cứ dùng năng lượng truyền thống (than đá, thủy điện, dầu mỏ) thì mối nguy không chỉ từ việc cạn kiệt nguồn năng lượng này mà còn là lượng ô nhiễm thải ra môi trường vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và sinh thái, hậu họa khó lường và con cháu chúng ta là người phải hứng chịu.

Các nước mà bầu không khí đã quá vẩn đục khí độc cacbonic phát ra từ hàng loạt nhà máy điện dùng than đá cộng với khí thải từ các nhà máy công nghiệp, khí thải từ phương tiện giao thông, như Trung Quốc, bắc Ấn Độ, Ai Cập, Pakistan đều đang phải tìm mọi cách đến với nguồn năng lượng sạch. Việt Nam cũng vậy, Chính phủ coi phát triển điện hạt nhân là chiến lược dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng, giảm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường từ sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng...

Học từ tư duy của Australia: không ỉ vào tài nguyên sẵn có

Một trong các quốc gia có điều kiện môi trường gần giống Việt Nam đó là Australia. Nước này có diện tích sa mạc rộng lớn, có tài nguyên khoán sản trữ lượng cao, thời tiết mưa nắng 4 mùa, cũng là nước nông nghiệp nhưng đang được sản xuất theo công nghệ  cao, và đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong vấn đề cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Australia là nước sản xuất uranium đứng thứ ba trên thế giới nhưng không sử dụng điện hạt nhân, do Australia có trữ lượng than giá rẻ và nguồn khí đốt tự nhiên dồi dào. Do kinh tế phụ thuộc vào việc xuất khẩu than quặng và do sử dụng điện năng từ các nhà máy nhiệt điện sản xuất điện bằng việc đốt than, Australia đã bị rơi vào số những nước gây ô nhiễm không khí nhiều nhất thế giới tính theo đầu người dân và phải đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. 

Vì yêu cầu xây dựng môi trường xanh, sạch, ngày 1/12/2014, thủ tướng Australia - Ông Tony Abbott đã quyết định mở cánh cửa cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân - làm sạch môi trường sống của đất nước. Australia cũng có thuận lợi lớn: là một nước có trữ lượng nhiên liệu uranium cho lò phản ứng thuộc loại hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, để thực hiện điều này, Chính phủ Australia đã trải qua tranh luận gay gắt giữa các phái chưa thống nhất một phần do quan niệm e ngại về năng lượng hạt nhân nguyên tử, e ngại về những hậu quả hay rủi ro do sai sót trong vận hành gây ra; mặt khác, do nhận định về tiềm năng to lớn của nguồn tài nguyên sẵn có trong tự nhiên, với tư duy không cần phải tốn phí đầu tư vào một loại năng lượng điện mới. Ông Tony Abbott đã khẳng định rõ quan điểm của mình, đó là: "Để cắt giảm đáng kể lượng khí thải, có một cách tạo ra năng lượng mà không sinh ra các khí thải nhà kính đã được chứng minh đó là thông qua năng lượng điện hạt nhân". Do vậy, dù tài nguyên có nhiều, Australia cũng vẫn lựa chọn phát triển điện hạt nhân. Đương nhiên, song hành cùng với đó, nguồn điện tái tạo từ năng lượng Mặt Trời cũng là giải pháp mà Australia lựa chọn.

Việt Nam có thể vận dụng tư duy như của Australia vào điều kiện nước mình, đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch, trong đó năng lượng hạt nhân là một định hướng đúng đắn cần nhanh chóng triển khai.

Học từ sự lãnh đạo của các tổng thống Mỹ: Nhất quán vì mục tiêu chung

Trước hết, nó xuất phát từ yêu cầu của đất nước phải “đáp ứng nhu cầu điện năng”. Hiện điện hạt nhân mới bảo đảm 20% điện năng tiêu thụ cho nước Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu tăng điện năng, nước Mỹ đang tính, từ nay đến nửa thế kỷ XXI, điện hạt nhân sẽ tăng tỷ trọng từ 20% đến 50% trong sơ đồ tổng điện năng quốc gia, nếu không có nguồn điện năng mới nào khả dĩ thay thế.

Qua mấy đời Tổng thống Mỹ, việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện hạt nhân đã được khẳng định, nhằm giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu dầu lửa từ Trung Đông.

Một nguyên nhân bức xúc khác nữa là áp lực giảm phát thải khí “nhà kính” (cacbonic) nhằm ngăn ngừa hậu quả to lớn của tình trạng thay đổi khí hậu toàn cầu. Hiện, Mỹ là quốc gia đứng hàng đầu (cùng với Trung Quốc) về lượng phát thải khí cacbonic, chủ yếu bởi các nhà máy nhiệt điện đốt bằng nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu lửa v.v… Đã đến lúc nước Mỹ phải đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu, không thể trì hoãn như việc thực hiện Nghị định Kyoto. Barack Obama đã khẳng định một cách dễ hiểu rằng: "Để đáp ứng nhu cầu gia tăng điện năng và ngăn ngừa hậu quả tệ hại của thay đổi khí hậu, chúng ta cần tăng thêm nguồn điện hạt nhân. Chân lý này rất đơn giản”.

Và một vấn đề hệ trọng mà Tổng thống Barack Obama đã nhận định "điện hạt nhân có mối quan hệ đến nền kinh tế, an ninh, và tương lai Trái đất” - đây cũng chính là vấn đề mà Việt Nam phải quan tâm.

Học từ sự thấu đáo của các nhà lãnh đạo Trung Quốc: thấy rõ lợi hại, tiến hành thật nhanh

Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất đồng thời là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai trên thế giới, nền công nghiệp hạt nhân của Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây.

Xuất phát từ việc phát triển nóng các thành phố lớn, khu công nghiệp, Trung Quốc đã bị thiếu điện trầm trọng. Để giải quyết vấn đề này, ngay từ những năm 1970, cố Thủ tướng Chu Ân Lai đã nói: “Năng lượng hạt nhân không chỉ dùng cho sản xuất vũ khí. Nó cần được sử dụng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc”. Và Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Vấn đề an toàn, vấn đề sử dụng công nghệ trong nước hay công nghệ nước ngoài, vấn đề địa điểm đặt nhà máy đã làm đau đầu các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Cuối cùng sau bao nhiêu bàn cãi, tính toán, Trung Quốc đã chọn Tần Sơn (có nhiều đồi núi, thuận lợi cho giao thông) làm vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với công suất 300 MW và sử dụng lò phản ứng thủy lực do chính Trung Quốc chế tạo. Lò phản ứng Tần Sơn được kết nối với hệ thống cung cấp năng lượng và chính thức đi vào hoạt động thương mại từ tháng 4/1994. Nhà máy này đã chứng minh điện hạt nhân là một nguồn năng lượng sạch tối ưu,  không làm thay đổi môi trường (nếu một nhà máy nhiệt điện với công suất 1.000 MW sẽ tiêu tốn tới 3 triệu tấn than mỗi năm và tạo ra nhiều khí thải độc hại, thì, một nhà máy hạt nhân với công suất tương ứng chỉ tốn khoảng 250 tấn nhiên liệu và lượng khí độc thải ra cũng ít hơn nhiều). Sau lò phản ứng thủy lực, Trung Quốc bắt đầu tiến hành xây dựng lò phản ứng nước áp lực và lò phản ứng nước nặng, liên kết sử dụng công nghệ của Cananda và Nga.

Hiện, điện hạt nhân đã đáp ứng được nhu cầu năng lượng cấp thiết của vùng châu thổ sông Dương Tử, một trong những khu vực thịnh vượng và phát triển nhanh nhất Trung Quốc.

Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, đưa lò phản ứng thế hệ thứ tư vào hoạt động, Ưu điểm vượt trội là lò phản ứng này có thể tự động ngừng vận hành khi trường hợp khẩn cấp xảy ra mà không gây nên hiện tượng nóng chảy nhiên liệu trong lõi hay làm rò rỉ chất phóng xạ. Hiện nay, phần lớn lò phản ứng hạt nhân đang và sắp hoạt động trên thế giới đều thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba. Với dự án trên, Trung Quốc sẽ trở thành nước đầu tiên sử dụng lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư vì mục đích thương mại. Trung Quốc đã sẵn sàng tạo nên một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực năng lượng, trong tương lai bằng định hướng đầu tư hàng tỷ USD vào xây dựng hàng loạt các nhà máy điện hạt nhân mới tại châu Âu, châu Phi, Trung Đông… Nếu các kế hoạch được triển khai thuận lợi, số tiền từ các khoản thu thuế điện của các nước này sẽ chảy vào túi của chính phủ Trung Quốc. Lợi trong lãi ngoài, Trung Quốc đang nhanh chân đi trước trong mùa thu hoạch “vàng”.

Thuận lợi của Việt Nam

Việt Nam có nền địa chất đất ổn định, các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần ít xảy ra, chỉ xảy ra lụt lội theo mùa có thể kiểm soát. Việt Nam có địa hình phù hợp để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Người Việt Nam có tư duy và năng lực vận hành các nhà máy điện hạt nhân.  Việc đào tạo nhân lực cho ngành điện hạt nhân (người điều hành, người đối phó với các thảm họa bất ngờ) sẽ được thực hiện bài bản.

Việt Nam học được kinh nghiệm từ các nước đi trước, nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, xây dựng các kế hoạch đối phó và xử lý kịp thời các vấn đề xảy ra.

Điều quan trọng là huy động được nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, chọn lựa đối tác quốc tế, triển khai phù hợp với khả năng và nhịp độ phát triển từng thời kỳ. Đồng thời với đó là khâu chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ về cơ sở hạ tầng, luật pháp, nhân lực, công nghiệp, khoa học công nghệ, địa điểm, an toàn, lưới điện, tài chính để vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Phát triển điện hạt nhân không những tăng nguồn cung mà còn tạo nguồn điện mới theo hướng chủ động hơn, giảm sự phụ thuộc vào thiên nhiên. Dự kiến từ nay đến năm 2030 điện hạt nhân sẽ cung cấp thêm cho nguồn điện ít nhất là 10000Mgw.

Có thể khẳng định: phát triển điện hạt nhân là hướng đi đúng đắn.