Việt Nam sẽ đón cơ hội vàng trong thu hút FDI

Theo Nguyễn Hạnh/congthuong.vn

Hậu Covid- 19, Việt Nam được đánh giá về cơ hội “hiếm có”, "cơ hội vàng” cho sự “chuyển biến ngoạn mục” trong thu hút nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cơ hội vàng đến từ tùy nơi, tùy lĩnh vực... và cũng cần có chọn lọc kỹ lưỡng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cơ hội đến từ niềm tin

Theo nguồn tin của Nikkei, Panasonic sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất đồ gia dụng lớn ở ngoại ô Bangkok (Thái Lan) sớm nhất vào mùa thu 2020 và chuyển dây chuyền sản xuất tới một cơ sở lớn hơn tại Việt Nam nhằm cắt giảm chi phí và tăng tính hiệu quả. Đây được đánh giá là tín hiệu rất tích cực đối với việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - nhận định, Việt Nam đã thành công trong việc khống chế dịch Covid- 19, tạo ra một lợi thế cho Việt Nam trong khi các nước khác đang gặp khó khăn. Việc này đã góp phần xây dựng và củng cố lòng tin nơi các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đang đón “cơ hội vàng” trong thu hút FDI
Việt Nam đang đón “cơ hội vàng” trong thu hút FDI
 

Thứ nhất, trong mắt họ (các nhà đầu tư) là sự an toàn khi nhìn thấy không chỉ người dân Việt Nam mà còn cả người nước ngoài đều được hưởng dịch vụ chữa bệnh tốt nhất trong điều kiện có thể.

Thứ hai, các nhà đầu tư cũng nhìn thấy cơ hội vàng tại Việt Nam nhờ có sự phát triển kinh tế liên tục trong các năm vừa qua, cụ thể là sự tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ của nền kinh tế. Họ cũng nhìn thấy sự quyết liệt, đúng đắn trong sự chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch và khởi động lại nền kinh tế.

Trong tháng 4 vừa qua đã có các dấu hiệu tích cực về đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư cũng ghi nhận Việt Nam có chủ trương nhất quán trong ứng xử với dòng vốn đầu tư nước ngoài, luôn coi đầu tư nước ngoài là một cấu thành quan trọng của nền kinh tế để phát triển. Tất cả đang góp phần tạo nên cơ hội vàng cho Việt Nam trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy và dòng vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia ký kết đã và đang đem lại những lợi thế nhất định cho Việt Nam.

Khẳng định cơ hội là có, tuy nhiên, ông Phan Hữu Thắng cho rằng, việc này phụ thuộc vào chính chúng ta có tận dụng được cơ hội đó không? Bởi lẽ, hiện Việt Nam còn nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới vì nhiều đối tác lớn như Mỹ, Singapore, Trung Quốc đều bị tổn thương vì Covid- 19, họ phải tạm đình chỉ các hoạt động đầu tư, xúc tiến, và ký kết.

“Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay dự kiến giảm 20%, đây là con số chấp nhận được trong bối cảnh hiện tại, và chúng ta đã có thể “tóm” được một số cơ hội để ngăn chặn giảm thiểu suy giảm lớn của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năn 2020”, ông Thắng nói.

Cần vạch những kế hoạch cụ thể

Thu hút FDI trong giai đoạn bình thường mới sẽ được triển khai như thế nào? Theo ông Phan Hữu Thắng, phương thức sản xuất đã thay đổi theo nhu cầu mới của đời sống, kinh doanh, và thu hút đầu tư nước ngoài như vậy cũng phải thay đổi, nếu theo truyền thống thì dễ thất bại. Xu hướng về sản xuất công nghiệp là theo công nghệ cao, nhưng làm thế nào để thu hút công nghệ cao thì phải bằng cách tạo dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ phù hợp với phương thức hoạt động trong giai đoạn mới.

Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh đầu tư công, ông Phan Hữu Thắng cho rằng, xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng quan trọng. Vốn đăng ký đầu tư chưa giải ngân là 363 tỷ USD, nhưng thực hiện được có 209 tỷ USD còn 154 tỷ USD đã đăng ký rồi nhưng chưa giải ngân được. Trong khi chúng ta xúc tiến đầu tư đang gặp khó khăn thì chính những nhà đầu tư đang làm dở dang, đã được cấp giấy phép rồi thì chúng ta nên tạo điều kiện cho họ tiếp tục hoạt động, gỡ vướng về mặt bằng, hay chính sách… để họ bỏ vốn ra làm tiếp. “Năm ngoái, tổng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân chiếm 24,3%, năm nay chỉ cần thêm 1 - 2%, giải ngân khoảng vài USD sẽ giúp tăng trưởng của Việt Nam tăng thêm 1%. Chúng ta phải xúc tiến đầu tư tại chỗ. Tổ chức khảo sát tình hình các nhà đầu tư đã được cấp giấy phép hiện tại ra sao, vướng gì và chưa giải ngân được”, ông Thắng nói.

Cụm từ được đề cập nhiều gần đây là "cơ hội vàng" trong thu hút nguồn vốn FDI, nhưng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cơ hội vàng đến từ tùy nơi, tùy lĩnh vực... nếu không cẩn thận vàng sẽ có lẫn đất sét. Cơ hội không dành riêng cho Việt Nam, mà còn cả cho Ấn Độ, Indonesia... Các nước dành ưu tiên và mục tiêu rõ ràng, còn Việt Nam vẫn đang đi theo chiến lược có nhiều mũi nhọn, đây cũng là nguyên nhân Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội. Nguyên nhân một phần là do vẫn còn tình trạng hô khẩu hiệu mà không chịu đánh giá thực lực và có sự nghiên cứu, phân tích xem cần phải làm gì để thay đổi tình trạng và nắm bắt cơ hội. “Trước ta coi mình là cô gái đẹp, giờ cô gái đã già rồi...”, bà Lan ví von.

Chúng ta háo hức nói về công nghệ 4.0. Nhưng thực tế ta làm rất ít để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0. Khát vọng và mong đợi của người thiết kế cơ chế nó không giống với khát vọng cơ chế của doanh nghiệp. Đưa ra chính sách hay nhưng hành động thực thi chính sách kém thì không hiệu quả. Do đó, cần có chế tài, kỷ cương áp vào cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Phải có chế tài nghiêm thì doanh nghiệp mới làm được. Chính sách không nên cố kiểm soát doanh nghiệp hơn là tạo thuận lợi. Trong khi thế giới đã khác, rất phát triển nhưng Việt Nam vẫn đang loay hoay tháo gỡ rào cản, khó khăn...

Trong thời gian qua, nhiều cuộc hội nghị đã bàn đến việc thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đang suy giảm từ 1.300 tỷ USD xuống còn gần 1.000 tỷ USD. Sự cạnh tranh đến từ các nước trong khu vực ngày càng tăng. Ông Phan Hữu Thắng cho rằng, cần có nhiều nhiều chính sách, sự hỗ trợ để lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài. Nghị quyết 50 xác định chủ trương, tạo tiền đề cơ bản và cũng là căn cơ để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Việc thay đổi, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hệ thống luật pháp chính sách theo đúng định hướng thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc... là những việc cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp hơn. Cần vạch ra các kế hoạch cụ thể, từ chủ trương đến thực tế, từ tổ chức thực hiện đến hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách.

Ông Phan Hữu Thắng lấy ví dụ, đối với đầu tư nước ngoài để thu hút công nghệ cao thì những dự án nào, lĩnh vực nào phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế từng ngành nghề. Từ đó, xây dựng quy hoạch thu hút đầu tư công nghệ cao, tạo điều kiện từ mặt bằng, đến phần mềm, lao động chất lượng cao, tìm đúng đối tác mình cần, có chương trình xúc tiến đầu tư bài bản, có hệ thống luật pháp chính sách tạo điều kiện cho các dự án thành công. Cơ hội luôn đi cùng thách thức, thu hút thật nhiều vốn đầu tư nhưng phải có sự chọn lọc.