Việt Nam sẽ là công xưởng mới của thế giới: Chú chim mới nhập đàn

Theo Báo Đầu tư

TS. Patrick Dixon, người từng được Tạp chí Times coi là “nhà tương lai học hàng đầu thế giới” vừa đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ đóng vai trò là xưởng sản xuất công nghiệp của thế giới trong tương lai không xa. Các doanh nghiệp, với vai trò là đôi cánh của “chú chim mới” Việt Nam, nghĩ gì về điều này?

Việt Nam sẽ là công xưởng mới của thế giới: Chú chim mới nhập đàn
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hoa Sen: Mô hình đàn sếu bay

Tiếp chúng tôi trong văn phòng đại diện của Hoa Sen ngay sau chuyến công tác nước ngoài, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen không giấu sự lạc quan. “Tôi tin là Việt Nam có thể trở thành công xưởng của thế giới, đặc biệt là trong một số lĩnh vực công nghiệp nền tảng và một số ngành công nghệ cao dựa trên mô hình “đàn sếu bay” (flying-geese development model)”, ông Vũ nói.

Cơ sở của mô hình này, theo ông Vũ, là vùng Đông Á gồm nhiều nền kinh tế ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Một ngành công nghiệp (tạm gọi là ngành A) thường được bắt đầu phát triển tại Nhật Bản, sau đó chuyển sang nhóm NIEs tại châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore) rồi ASEAN-4 (gồm Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan). Kết thúc hành trình này là sự góp mặt của Trung Quốc và tiếp theo có thể là Việt Nam và các nước khác.

Trong mô hình này, các nền kinh tế đi trước, sau khi mất lợi thế so sánh trong ngành A, đã nỗ lực chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên những ngành có giá trị gia tăng cao, với trình độ công nghệ cao hơn. Đây là hiện tượng đuổi bắt nhiều tầng trong quá trình công nghiệp hóa ở Đông Á, tạo nên tính năng động của vùng này.

Yếu tố đưa đến hiện tượng này là nỗ lực tích lũy tư bản, công nghệ tại các nền kinh tế đi sau và quá trình đó được thúc đẩy bằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các hình thái chuyển giao công nghệ khác từ các nền kinh tế đi trước.

“Tôi nghĩ, với ‘mô hình đuổi bắt’ này, sản phẩm công nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và thế giới. Các ngành tiềm năng của Việt Nam như điện tử hay công nghệ thông tin, máy tính… có thể ‘bay theo đàn chim sếu’ đến các thị trường khác”, ông Vũ nói và cho biết, Tập đoàn Hoa Sen đang đi theo con đường này để xuất khẩu sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài.

Năm 2013, dự kiến, Hoa Sen sẽ tăng xuất khẩu 20-30% sang thị trường ASEAN. “Niên độ tài chính 2011-2012 đã đánh dấu bước đột phá trong xuất khẩu với sản lượng xuất khẩu đạt gần 180.000 tấn, doanh thu đạt gần 180 triệu USD, tăng 80% so với năm 2011. Hiện tại, sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại 25 thị trường”, ông Vũ Văn Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết.

Chiến lược xuất khẩu được Tập đoàn Hoa Sen triển khai từ năm 2007, sau khi đã chiếm được thị phần, khẳng định được thương hiệu, chất lượng tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, theo ông Vũ, mục tiêu xuất khẩu chỉ có thể thực hiện nếu hội tụ đủ hai yếu tố: một là sản phẩm có chất lượng tốt và hai là, giá cả cạnh tranh.

Với mặt hàng thép, trọng lượng nặng, chi phí vận chuyển sẽ cao nếu chọn thị trường quá xa. “Thị trường ASEAN gần, khá dễ tính, được chúng tôi lựa chọn đầu tiên trước khi đi đến thị trường khó tính hơn, xa hơn, bán với giá cao hơn. Hiện tại, ngoài ASEAN, Tập đoàn Hoa Sen đã đến được những thị trường rất xa như Trung Đông, Nam Á, châu Phi và đang thử nghiệm thị trường Mỹ. Mục tiêu năm 2013 của Tập đoàn là tăng tỷ trọng xuất khẩu đạt 40-45%”, ông Thành chia sẻ và cũng tiết lộ, bước đi tiếp theo của Hoa Sen là xem xét kế hoạch xây nhà máy ở các thị trường này khi điều kiện phù hợp.

Đây là một trong những giải pháp tiếp theo để giải quyết yếu tố về giá. Hiện tại, theo ông Vũ, bài toán giá cả đang được Tập đoàn xử lý theo triết lý “vừa đúng lúc”. Có nghĩa là, doanh nghiệp phải tính hết tồn kho nguyên vật liệu, tồn kho thành phẩm, tồn kho sản phẩm dở dang trên dây chuyền… sao cho tối ưu, tránh tối đa chi phí tồn kho, lãi vay ngân hàng và giảm rủi ro về giá. Bên cạnh đó, việc xây dựng và vận hành chuỗi cung ứng nhịp nhàng cũng giúp Tập đoàn Hoa Sen tối ưu hóa lợi nhuận, điều phối tốt sản phẩm, tránh tồn kho.

Pomina: Sau công xưởng là công nghiệp hóa

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Thép Việt (Pomina, doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và đi đầu trong đầu tư công nghệ cao vào luyện cán thép) chia sẻ, ý tưởng Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới là hoàn toàn khả thi, thậm chí còn phải có tầm nhìn xa hơn theo hướng công xưởng chỉ là tiền đề, mục tiêu là nước công nghiệp hóa.

“Hãy thử nghiên cứu, tham khảo mô hình phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan. Với xuất phát điểm của nền kinh tế của họ rất thấp như chúng ta, các nền kinh tế này đã tập trung đầu tư công nghiệp một cách bài bản theo hướng hiện đại và họ đã vượt qua vai trò công xưởng để trở thành những quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp nặng và một số ngành công nghệ cao của thế giới”, ông Thái phân tích.

Tuy nhiên, đi kèm với kịch bản tối ưu này, câu hỏi “Cách nào để đi tắt, đón đầu?” lại được đặt ra. Ông Thái cho rằng, trong lựa chọn con đường đi lên của ngành công nghiệp Việt Nam, chính sách của Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong dẫn hướng.

“Nếu xem công nghiệp nặng là nền tảng thực hiện công nghiệp hóa, thì Chính phủ cần phải ưu đãi và tạo hành lang phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp nội địa khi đầu tư công nghệ cao. Hiện nay, chính sách có vẻ đang nghiêng về doanh nghiệp FDI hơn. Trong khi chiêu bài chuyển giá đang khiến không ít doanh nghiệp FDI lợi dụng ưu đãi để thu lợi, thì bài học phát triển của Hàn Quốc đã cho thấy, muốn đi lên thì hãy bắt đầu từ thị trường nội địa, rồi mới đến khu vực và vươn ra thế giới”, ông Thái thẳng thắn nói và khẳng định, đây là con đường duy nhất!

Đây cũng là con đường Pomina áp dụng khi tích lũy và đổ gần 1 tỷ USD đầu tư 3 nhà máy luyện cán thép với tổng công suất đạt 1,5 triệu tấn thép luyện và 1,1 triệu tấn thép cán. Pomina xác định mục tiêu rất rõ là, sau khi chiếm lĩnh thị trường nội địa, sẽ xuất khẩu tối thiểu 30% và xác định rõ là cạnh tranh với các thương hiệu luyện cán thép hàng đầu thế giới và vượt Trung Quốc.

Về cơ sở để đảm bảo tính khả thi của ý tưởng này, ông Thái cho biết, Pomina đã lựa chọn đầu tư công nghệ hiện đại nhất của Đức và Italia trong luyện cán thép, với năng suất tiêu thụ năng lượng bình quân 1 tấn thép chỉ đạt 380 kWh, thấp hơn phân nửa so với mức bình quân thế giới là 600 kWh/tấn. Chỉ riêng yếu tố này đã giúp Pomina chủ động xác định giá thành, trên cơ sở đó tạo lập lợi thế cạnh tranh.

Hiện tại, Pomina chiếm ưu thế tại thị trường Campuchia, đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường Lào, Philippines, Indonesia, Malaysia, Dubai và trong năm nay, có thể thêm Myanmar.

Khó khăn của “chú chim mới”

Trong mô hình đàn sếu mà ông Lê Phước Vũ nhắc tới, hay trong cách đi thận trọng của Pomina, từ chắc chân nội địa đến từng bước xuất khẩu, Việt Nam đều là “con chim mới nhập đàn”. Thế mạnh rất rõ của “con chim mới” là nhân lực rẻ, nguyên liệu dồi dào và chủ trương thúc đẩy xuất khẩu của Chính phủ.

Tuy vậy, bay trước các doanh nghiệp Việt Nam là những doanh nghiệp đa quốc gia tại các thị trường mà chúng ta sẽ xuất khẩu tới. Có nghĩa là, sự cạnh tranh để nhập đàn của doanh nghiệp Việt Nam không đơn giản là giá cả, chất lượng, mà còn là những hàng rào kỹ thuật, bảo hộ mậu dịch thường được áp dụng thông qua các quy định về chống bán phá giá.

Hơn ai hết, Hoa Sen là người thấm thía nhất điều này. Trung tuần tháng 12/2012 vừa qua, có một khách hàng của Hoa Sen thông báo qua điện thoại là Ủy ban Tự vệ thương mại Indonesia đã nhận đơn của một số doanh nghiệp nội địa đề xuất việc áp dụng thuế tự vệ thương mại cho mặt hàng tôn. Sau đó, lần lượt tại thị trường Thái Lan, Malaysia cũng có tình trạng tương tự.

Là người trực tiếp tham gia vụ việc này, ông Vũ Văn Thành chia sẻ, đơn kiện sau khi lên Ủy ban Tự vệ thương mại Indonesia cũng đã được trình lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). “Theo thông lệ, đã lên tới WTO, thì trong vòng 30-60 ngày, cơ quan tự vệ thương mại của Indonesia sẽ mở một phiên điều trần, nghe các bên có liên quan trình bày quan điểm và lập luận của mình, trước khi đưa ra những phán quyết sơ bộ. Nếu còn khiếu nại và nếu cần thiết, họ sẽ mở các phiên điều trần tiếp theo trước khi ra phán quyết cuối cùng”, ông Thành nói và cho biết, theo quy định, trong thời gian chờ đợi, bên bị đơn vẫn chịu ảnh hưởng từ phán quyết sơ bộ…

Rõ ràng, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành công xưởng thế giới. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực rất lớn để thực hiện mở rộng, chiếm lĩnh sâu tại thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, chi phí sản xuất thấp, giá thành cạnh tranh vốn được xem là ưu thế chủ đạo của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, thì hiện nay lại trở thành nỗi lo, nhất là khả năng vướng vào các vụ kiện bán phá giá. “Các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ, các biện pháp bảo vệ chính đáng của Chính phủ bằng cả con đường chính thức lẫn phi chính thức”, ông Đỗ Duy Thái đề nghị.