Việt Nam thăng hạng trong danh sách cạnh tranh toàn cầu

Theo Ý Nhi/nhaquanly.vn/Nikkei

Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa ghi nhận sự thăng hạng của Việt Nam và Indonesia trong danh sách cạnh tranh toàn cầu dựa trên các yếu tố cải thiện về y tế, giáo dục và công nghệ.

Việt Nam thăng hạng trong danh sách cạnh tranh toàn cầu. Nguồn: internet
Việt Nam thăng hạng trong danh sách cạnh tranh toàn cầu. Nguồn: internet

Báo cáo cạnh tranh toàn cầu mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy một cục diện đang có nhiều sự thay đổi ở khu vực Châu Á. Báo cáo ghi nhận sự “bùng nổ” của Indonesia và Việt Nam trong khi thứ hạng của Nhật Bản và Ấn Độ lại giảm sút.

Theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018 vừa được công bố, Indonesia đứng ở vị trí thứ 36, quốc gia này đã tăng 5 bậc so với vị trí 41 hồi năm 2016.

Các quốc gia Đông Nam Á đã cải thiện được 10 trong số 12 lĩnh vực trụ cột, bao gồm y tế, giáo dục tiểu học và cơ sở hạ tầng. Mặc dù không tăng bậc trong lĩnh vực “cải cách, đổi mới”, báo cáo năm nay mô tả các quốc gia Đông Nam Á là “một trong những khu vực sáng tạo hàng đầu trong số các nền kinh tế mới nổi”. Bên cạnh đó, Chính phủ các nước cũng chi mạnh tay hơn trong việc mua sắm các sản phẩm công nghệ tiên tiến, xếp vị thứ 12 trong bảng xếp hạng.

Indonesia đã trải qua nhiều thăng trầm trong những năm gần đây, nhưng so với 5 năm trước, họ đã tăng đến 14 bậc. Điều này phần lớn là nhờ nền kinh tế đang phát triển, Indonesia đứng thứ 8 về chỉ số quy mô thị trường nội địa.

Tuy nhiên, các lưu ý cũng chỉ ra rằng Indonesia vẫn cần tăng cường sự hiệu quả của thị trường lao động vì họ chỉ xếp hạng 96 ở chỉ số này. Thứ hạng này bị kéo xuống là do “chi phí dư thừa quá mức, việc xác định lương bổng thiếu linh hoạt và số lượng lao động nữ bị giới hạn”.

Trong khi đó, Việt Nam đã nhảy vọt lên vị trí thứ 55, tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước.

Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể về tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và hiệu quả thị trường lao động. Thương mại là một yếu tố lớn thúc đẩy Việt Nam thăng hạng, đứng thứ 7 về tỷ lệ nhập khẩu so với tổng sản phẩm quốc nội và đứng thứ 11 trong chỉ số xuất khẩu.

Việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã khiến nhiều nhà phân tích nhận định cơ hội thương mại trong tương lai của Việt Nam sẽ giảm sút, tuy nhiên báo cáo chỉ ra rằng “sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ được duy trì từ những hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ”.

Nhiều quốc gia châu Á khác cũng tăng hạng, bao gồm Malaysia vị trí 23; Trung Quốc hạng 27; và Thái Lan đứng vị thứ 32. Các quốc gia này đều tăng từ 1 đến 2 bậc trong bảng xếp hạng so với năm ngoái. Philippines cũng thăng 1 hạng, lên vị trí thứ 56.

Trong khi đó, Nhật Bản lại đứng đầu xu hướng giảm, chỉ xếp thứ 9 sau khi bị tuột hạng trong 2 năm liên tiếp. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tuy tiếp tục phát triển tốt trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục tiểu học, nhưng họ đang phải vật lộn với mức nợ công lớn.

Năm nay, Nhật Bản cũng giảm mạnh ở một số lĩnh vực – đặc biệt là chất lượng cơ sở hạ tầng đường sắt, đã rớt xuống vị trí thứ 2. Mặc dù Nhật duy trì được vị trí thứ 8 về sự đổi mới, nhưng lại giảm từ vị trí thứ 18 xuống 23 về sự hợp tác giữa các trường đại học và ngành công nghiệp trong mảng nghiên cứu – phát triển. Đối với tiềm năng nhà khoa học và kỹ sư sẵn có, từ vị trí thứ 3 hồi năm ngoái, đến nay Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ 8.

Ấn Độ, tuy luôn tăng hạng trong 2 năm trước đó, nhưng năm nay đã giảm xuống vị trí thứ 40. Singapore một lần nữa lại thất bại trong việc leo lên vị trí dẫn đầu khi tụt xuống vị trí thứ 3 sau Hoa Kỳ.