Việt Nam tiếp tục đứng trước thách thức cải cách thực sự

Theo Báo điện tử Sài Gòn Tiếp thị Media

Báo cáo về bức tranh kinh tế 2013 cùng những tồn tại cố hữu của nền kinh tế đòi hỏi phải tái cơ cấu để tối ưu hoá hiệu quả đầu tư tại diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Thành, giám đốc trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, những động lực đầu tư nóng vội và chính sách phân bổ nguồn lực sai lệch đã làm chệch quỹ đạo phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn dài, khiến tính ổn định của nền kinh tế trở nên mong manh và niềm tin thị trường ngày càng suy giảm. Các yêu cầu tái cấu trúc và đổi mới đang chịu áp lực lớn, đòi hỏi ý chí và tư duy ở tầm cao hơn, nhưng thách thức và rủi ro nhiều hơn.

Việt Nam tiếp tục đứng trước thách thức cải cách thực sự
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, là sự kiện chờ đợi nhiều năm và nỗ lực nhiều năm với sự đồng thuận mạnh mẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Nhưng câu chuyện Việt Nam không thuận lợi, sau WTO Việt Nam gặp những bối rối về lựa chọn, thể hiện sự bất nhất về chính sách, khiến môi trường kinh doanh ngày càng suy giảm và nền kinh tế mất đà tăng trưởng.

“Mâu thuẫn giữa cải cách trong nước không theo kịp môi trường và diễn biến mới của nền kinh tế, những cải cách đã không theo kịp diễn biến mà còn xung đột với thực tiễn dẫn đến hệ quả ngày hôm nay”. TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.

Dữ liệu tăng trưởng và lạm phát giai đoạn 1995 – 2012 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sau một thập niên phát triển ở mức cao với trung bình 10%/năm thì năm 2007 kinh tế bắt đầu giảm dần, xuống mức khoảng 5%. Theo TS. Thành, bất ổn kinh tế vĩ mô manh nha từ những năm đầu thập niên 2000, chỉ số lạm phát có lúc tăng đến hơn 20%, con số lạm phát này là quá trình tích luỹ chịu sự tác động của chính sách tín dụng dễ dãi.

Mâu thuẫn lớn của nền kinh tế Việt Nam ở chỗ nói là tư duy hội nhập mà vẫn duy trì mô hình theo ý chí một nền kinh tế chịu sự dẫn dắt của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Về xã hội, hy vọng ổn định kinh tế có sự kiểm soát chặt chẽ theo định hướng nhà nước là tư duy sai lầm. Những mô hình Vinashin, Vinalines... cho thấy họ đều là những doanh nghiệp thất bại ở môi trường kinh doanh mới cạnh tranh khốc liệt hơn. Bản thân những doanh nghiệp khổng lồ nhưng không có nguồn ra trong khi cấu trúc bên trong được xây dựng một cách chủ quan và nóng vội, vì vậy sự sụp đổ là dễ hiểu.

TS. Trần Đình Thiên: “Từ năm 2007, mô hình tăng trưởng của ta đang đánh đổi lạm phát với tăng trưởng, trong khi tăng trưởng chưa biết chắc ai hưởng thì lạm phát chắc chắn mọi người dân chịu, đặc biệt là người nghèo”.

Đó còn là bức tranh chung của mô hình đầu tư do ảnh hưởng của tư duy chung về nền kinh tế là sử dụng mô hình các đại tập đoàn lớn để hy vọng thành công trong việc hội nhập. Hình dung về kinh tế sau WTO đã bị sai lầm, không chuẩn bị được nền tảng để phát triển một mô hình kinh tế bền vững.

Việt Nam lựa chọn mô hình chaebol của Hàn Quốc nhưng mô hình Hàn Quốc là khác về chất bởi người ta đã tạo được những doanh nghiệp qua hàng chục năm tích luỹ được tri thức, trải qua nhiều xung đột gia đình và xã hội, các chaebol tồn tại và lớn lên, chứ không phải được chính phủ bảo trợ”.

Trong khi Việt Nam, để phát triển, đã phân bổ nguồn lực một cách bất cập, khiến nguồn lực trở nên khan hiếm, giá vốn trở nên đắt đỏ hơn và lãi suất không ngừng tăng lên; nhân công có kỹ năng càng trở nên hiếm hoi. Điều này làm mất cơ hội phát triển của khối kinh tế tư nhân, đặc biệt khối doanh nghiệp nhỏ vốn là chỗ dựa của nền kinh tế non trẻ như Việt Nam. “Hệ quả của quá trình đó là doanh nghiệp mất tính cạnh tranh, năng suất lao động của toàn nền kinh tế bị suy giảm dần theo từng giai đoạn”.

Việt Nam tiếp tục đứng trước thách thức cải cách thực sự - Ảnh 1
Vậy bức tranh kinh tế năm 2013 sẽ ra sao sau năm năm khủng hoảng? Theo TS. Thành, lạm phát giảm đang giúp nới rộng dư địa chính sách, tuy nhiên tăng trưởng suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là năng lực doanh nghiệp cạn kiệt. Những rủi ro lạm phát quay trở lại vẫn đang đe doạ nền kinh tế do các yếu tố căn bản không bền vững. Trước lộ trình tự do hoá, Việt Nam có nguy cơ bị giới đầu tư quốc tế bỏ rơi, trong khi về nội tại, các động lực cho cải cách đang có khuynh hướng giảm, hoặc mất dần sự đồng thuận và quyết tâm.

Nợ xấu vẫn là vấn đề cốt lõi của hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế bởi gắn liền với các chính sách cho thị trường bất động sản. Các chính sách khác có bất ổn tiềm tàng như chính sách về ngoại hối, về vàng và đặc biệt là các chính sách trợ cấp, kiểm soát giá, kích thích kinh tế thiếu cơ sở. Trong khi bơm tiền cho bất động sản, bơm tiền tái cơ cấu ngân hàng thì Chính phủ lại chần chừ hạ thuế thu nhập doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất. “Việt Nam tiếp tục đứng trước thách thức cải cách thực sự”.

TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng để đổi mới đòi hỏi lớn nhất là bắt đầu từ sự đổi mới về tư duy và đổi mới chính sách, trên cơ sở đó doanh nghiệp và người dân sẽ tự hoạch định hoạt động cho mình.

Hiện nay muốn phát triển đòi hỏi các yếu tố tiên quyết: các chính sách đổi mới phải trở lại ý tưởng ban đầu những năm đổi mới nhưng với tầm và ý chí cao hơn; thúc đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và trung thành với chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân.