Việt Nam trong nhóm "đội sổ" về bảo vệ nhà đầu tư

Theo dantri.com.vn

(Tài chính) Xếp thứ 169/185 về bảo vệ nhà đầu tư, nếu không thay đổi thì các khoản đầu tư vào Việt Nam sẽ dần cạn kiệt và nền kinh tế sẽ chỉ còn dựa vào các khoản vay ngân hàng, biến Việt Nam thành một thị trường trì trệ không có khả năng cạnh tranh.

Việt Nam trong nhóm "đội sổ" về bảo vệ nhà đầu tư
Quyền lợi nhà đầu tư nhỏ không được đảm bảo khi các cơ chế minh bạch không được triển khai chặt chẽ. Nguồn: internet
Báo cáo "Tiến hành kinh doanh năm 2013" do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế vừa công bố cho thấy, trong lĩnh vực "bảo vệ nhà đầu tư", Việt Nam xếp ở vị trí 169 trong số 185 thứ hạng.

Lĩnh vực bảo vệ nhà đầu tư là phép đo ưu điểm của việc bảo vệ cổ đông thiểu số trước sự lạm dụng tài sản doanh nghiệp (DN) để tư lợi của các Thành viên Hội đồng quản trị. Với thứ hạng này, nhóm Công tác Quản trị và minh bạch cho rằng, đã đến lúc phải khởi xướng một quá trình cải cách, cả ở cấp Chính phủ lẫn cấp DN ở Việt Nam.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), tuy Luật Đầu tư có quy định nghiêm ngặt việc bảo vệ nhà đầu tư song nếu không thi hành và các DN không nỗ lực ngăn chặn các thông lệ trái phép thì sẽ không có động lực tiến hành cải cách cũng như không thực hiện được bất kỳ thay đổi nào.

Nhóm công tác cũng cảnh báo, nếu không đảm bảo việc bảo vệ nhà đầu tư thì các khoản đầu tư sẽ dần cạn kiệt và nền kinh tế sẽ chỉ còn dựa vào các khoản vay ngân hàng, biến Việt Nam thành một thị trường trì trệ không có khả năng cạnh tranh.

Để hiện thực hóa những vấn đề cần cải thiện, VBF cho rằng, cả Chính phủ và cộng đồng DN đều phải cùng nỗ lực. Cải cách quy định pháp luật kết hợp với hành động chung được thực hiện bởi các DN có tầm ảnh hưởng và ban giám đốc của họ là giải pháp duy nhất tạo ra những thay đổi mà Việt Nam đang tìm kiếm. 

Luật của Việt Nam đang quá dễ dãi với lãnh đạo DN?

Phản ánh với Chính phủ Việt Nam tại Diễn đàn VBF vừa rồi, Nhóm công tác Quản trị và Minh bạch cũng chỉ ra một loạt những điểm yếu còn tồn tại trong các DN Việt Nam hiện nay.

Cụ thể, các thành viên Hội đồng quản trị mua bán cổ phần DN không bị yêu cầu phải báo cáo những giao dịch này ngay lập tức mà phải đến 3 ngày làm việc sau đó mới phải báo cáo.

Theo VBF, nên có quy định phải lập tức đưa ra thông báo công khai về vấn đề này, nêu rõ số lượng cổ phần đã mua hoặc bán, cũng như nguyên nhân tiến hành mua bán cổ phần của Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đó. Nếu không có thông báo nào về vấn đề này và thành viên HĐQT hoặc một bên có liên quan bị phát hiện có tham gia giao dịch thì nên đình chỉ ngay giao dịch và bãi nhiệm Thành viên HĐQT trong vài năm.

Hay như các chính sách về việc xem xét, chấp thuận và thực hiện các giao dịch với bên có liên quan còn yếu kém; chính sách về cổ tức không được giải trình và không yêu cầu giải trình.

Cùng với đó, các cơ chế ngăn chặn xung đột lợi ích trong các quyết định của Hội đồng quản trị của DN vẫn còn yếu. Hồ sơ của các thành viên HĐQT đề nghị bổ nhiệm không đầy đủ... 

Ở những nội dung này, VBF cho rằng, Việt Nam sẽ vẫn còn rất nhiều việc phải làm để các DN đạt chuẩn của các DN Đông Nam Á láng giềng.