Việt Nam vẫn là điểm đến chiến lược của nhiều nhà đầu tư ngoại

PV.

(Tài chính) Đồng VND ổn định, tăng trưởng GDP dự kiến cả năm là 5,4%, tăng trưởng tín dụng ước 10%, Vn-Index kỳ vọng ngưỡng 530 điểm cuối năm 2013, môi trường đầu tư từng bước được hoàn thiện, chính trị ổn định, nền kinh tế phát triển năng động... là những yếu tố khiến Việt Nam đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều hơn. Đây là nhận định của một số chuyên gia về tư vấn Luật Đầu tư.

Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh về kinh tế trong tương lai. Nguồn: internet
Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh về kinh tế trong tương lai. Nguồn: internet

Báo cáo mới nhất của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, trong phiên khai mạc của Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cho biết: Tình hình kinh tế xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, nhiều mặt được tăng cường hơn. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo đã có những chuyển biến tích cực; ngành xây dựng có mức tăng trưởng cao gấp 2 lần so với năm trước. Sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ và đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có cải thiện. Thu hút và giải ngân vốn ODA đạt khá, vốn FDI đăng ký và thực hiện cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012. Điều này cho thấy, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm 2013.

Về lĩnh vực tiền tệ, trong 9 tháng qua, VND là một trong những đồng tiền có tính ổn định cao so với những đồng tiền trong khu vực và các thị trường mới nổi khác. Đầu năm 2013, đồng Yen đã mất giá 13,6% trong khi đó VND chỉ mất giá 1,27%. Từ đầu năm đến đầu tháng 10/2013, Vn-Index đã tăng 17,5% và dự báo có thể tăng trên mức 500 điểm vào thời điểm cuối năm 2013.

Theo bà Trần Thị Minh Thu, Luật sư trưởng Công ty VICLAW, chuyên tư vấn về đầu tư nước ngoài cho biết, số hợp đồng dịch vụ pháp lý thường xuyên về hợp đồng thương mại, thuế và xử lý các vấn đề nhân sự trong năm nay gần như không giảm đi mà có xu hướng tăng trưởng ổn định, đặc biệt là những tháng cuối năm.

Cũng cùng quan điểm trên, ông Dương Ngọc Dũng, Giám đốc công ty Dịch vụ Kinh doanh Toàn Cầu - GBS đưa ra nhận xét, số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, phải thoái vốn, sáp nhập hay chủ doanh nghiệp bỏ trốn... mà chúng ta biết được chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số hàng ngàn doanh nghiệp đang làm ăn tốt, đang đóng góp thiết thực cho kinh tế, xã hội trong nước. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam còn nhiều tiềm năng hơn chúng ta tưởng.

Ông Dũng dẫn chứng, với doanh nghiệp có quy mô lớn như Samsung, việc mở rộng quy mô và vốn đầu tư ở khu vực phía Bắc mới đây cho thấy, họ vẫn nhìn nhận Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển, và đó là bước đầu tư chiến lược trong tương lai mà họ muốn nhắm đến thị trường Việt Nam cũng như các thị trường lân cận. Sở sĩ có được những tín hiệu đáng mừng này, ngoài chính sách thu hút đầu tư của địa phương, Chính phủ cũng đã và đang cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh, luật pháp và thủ tục hành chính, ban hành các văn bản luật và dưới luật giúp nhà đầu tư có năng lực thực sự khởi động việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn.

Ông Dũng còn cho biết thêm, trong năm 2013, có thời điểm, trong vòng 1 tháng, công ty của ông tiếp nhận khoảng 15 - 17 yêu cầu tư vấn về môi trường kinh doanh, chính sách thuế và thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ trong vòng một tháng. Lĩnh vực các nhà đầu tư này quan tâm nhiều là phân phối, tư vấn, giáo dục, thương mại... Trong đó, một số ít chỉ hỏi mang tính thăm dò, còn lại phần lớn họ đã khảo sát, nghiên cứ kỹ để sẵn sàng gia nhập thị trường.

Dưới một góc nhìn khác, chúng ta có thể tin tưởng vào sức hấp dẫn về môi trường đầu tư trong nước sẽ góp phần mang về nhiều ngoại tệ, giải quyết ăn việc làm cho người lao động và các vấn đề kinh tế xã hội đang dần cải thiện sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo một số chuyên gia kinh tế nước ngoài, Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh về kinh tế trong tương lai, là điểm đến thú vị về kinh tế, có lượng dân số lớn, đặc biệt là lớp trẻ và có sức tiêu thụ tiềm năng. Với các nhà đầu tư, họ có quan điểm chung là ở đâu có tiềm năng lợi nhuận, môi trường ổn định và tính bền vững cao, họ sẵn sàng tham gia. Hy vọng với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, sự hoàn thiện hóa về thể chế, cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng và đội ngũ nhân lực, Việt Nam vẫn là điểm đến chiến lược của nhiều nhà đầu tư ngoại.