Việt Nam xuất siêu 2 tỷ USD vào thị trường các nước G20

Theo baocongthuong.com.vn

Thị trường các nước G20 đang là những nước có kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm 77% giá trị xuất nhập khẩu, đặc biệt lần đầu tiên sau các năm thâm hụt nặng nề về thương mại, Việt Nam đã lần đầu tiên xuất siêu 2 tỷ USD vào nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo mới nhất về tình hình thương mại giữa Việt Nam và nhóm các nước Phát triển G20 vừa được Tổng cục Hải Quan (Bộ Tài Chính) đưa ra, trong đó nhấn mạnh: Việt Nam ngày càng coi trọng thị trường thương mại của các nước G20, biểu hiện là 7 tháng đầu năm 2016 Việt Nam đã xuất siêu vào thị trường các nước này với giá trị hơn 2 tỷ USD. Trước đó, 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ các nước G20.

Việt Nam xuất siêu 2 tỷ USD vào thị trường các nước G20 - Ảnh 1

Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và các nước thuộc nhóm các nền kinh tế lớn (G20) trong 7 tháng từ đầu năm 2016 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 77% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước lên 148 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm trước khoảng 5 tỷ USD, sau 3 năm Việt Nam đã xuất siêu vào các nước này với giá trị trên 1 tỷ USD.

Cụ thể, về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường G20, 7 tháng đầu năm 2016 đạt 75,22 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ của một năm trước đó và chiếm 77,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Về kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 73,20 tỷ USD, giảm 1,7% so với 7 tháng/2015 và chiếm tới 77,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước từ tất cả các thị trường trên thế giới.

Nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường G20 tăng trong 7 tháng/2016 là do trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng tăng như điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,32 tỷ USD; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,04 tỷ USD; hàng thủy sản tăng 715 triệu USD…

Như vậy, tính đến hết tháng 7/2016 Việt Nam đã xuất siêu 2,02 tỷ USD, bằng 2,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, thâm hụt gần 5,7 tỷ USD nghiêng về phía Việt Nam trong 7 tháng/2015.

Hai nhóm hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang thị trường G20 vẫn là điện thoại các loại và linh kiện và sản phẩm dệt may với trị giá chiếm xấp xỉ 34% tổng kim ngạch hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như: máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; vải các loại; sắt thép các loại… Trị giá 5 nhóm hàng này chiếm hơn 53% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ G20.

Trong 7 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất với tổng trị giá hàng hoá trao đổi giữa hai nước là 38,18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 25% tổng xuất nhập khẩu; tiếp theo là Hoa Kỳ: 25,74 tỷ USD, tăng 10,6% (chiếm 17% tổng kim ngạch) và cuối cùng là các nước EU là 24,87 tỷ USD, tăng 6,1%.

Tổng cục Hải quan khẳng định, việc trao đổi thương mại gia tăng giữa Việt Nam và các nước G20 giúp hàng Việt Nam nâng cao giá trị, đồng thời giảm được phụ thuộc thương mại ở một vài nhóm nước, khu vực. Đáng lưu ý, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam với Trung Quốc giảm trong bối cảnh Việt Nam xuất siêu, đẩy mạnh hoạt động thương mại với các nước lớn khác trong G20 giúp Việt Nam nâng cao được giá trị hàng xuất khẩu, chủ động nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ tốt hơn.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các thị trường G20 ngày càng đòi hỏi khắt khe về hàng rào phi thuế quan, với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kiểm dịch và kỹ thuật. Hàng Việt Nam vẫn thuộc nhóm xuất khẩu thô sơ, chưa đạt giá trị gia tăng cao, thế mạnh xuất khẩu khối lượng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong giá trị kim ngạch nhập khẩu thời gian qua.

Hiện các nước G20 chiếm 85% GDP nền kinh tế thế giới và chiếm thị trường thương mại, dịch vụ lớn hàng đầu thế giới. G20 bao gồm nhóm 7 nước công nghiệp phát triển trong đó có Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ý và Canada cùng một số thành viên khác như Liên minh châu Âu (EU) và các nước Argentina, Úc, Brasil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.