Vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh - Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng

Trong những năm qua, vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực với số dự án và vốn đăng ký năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tập trung đầu tư ở trong nước mà còn mở rộng đầu tư ra nước ngoài để khẳng định thương hiệu, vị thế của mình trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Đến nay, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của DN Việt Nam đã phủ rộng ở cả 3 lĩnh vực là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Đến nay, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của DN Việt Nam đã phủ rộng ở cả 3 lĩnh vực là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trải qua các giai đoạn thăng trầm, bắt đầu manh nha những dự án đầu tiên từ những năm 1989, sau đó tăng trưởng mạnh về số dự án và vốn đăng ký từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 78/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Cụ thể:

Đến nay, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của DN Việt Nam đã phủ rộng ở cả 3 lĩnh vực là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Trong đó, vốn đăng ký chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chiếm gần 55%; lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 25%; lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 20%. Cụ thể:

- Lĩnh vực công nghiệp: Tính lũy kế đến cuối năm 2016, các DN Việt Nam đã đầu tư vào nhiều ngành nghề khác nhau trong lĩnh vực công nghiệp, nổi bật nhất là ngành Khai khoáng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 160 dự án và vốn đăng ký lên đến 8,5 tỷ USD, vốn thực hiện trên 3 tỷ USD. Như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là DN đi đầu trong hoạt động đầu tư vốn trực tiếp ra nước ngoài. Thống kê cho thấy, PVN đã đăng ký 17 dự án đầu tư vốn với trữ lượng thăm dò khoảng 170 triệu tấn quy đổi.

- Lĩnh vực nông nghiệp: Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được mở rộng về số lượng và quy mô dự dự án. Đến cuối năm 2016, vốn thực hiện của DN đầu tư trong lĩnh vực này đạt gần 750 triệu USD. Các dự án đầu tư vốn ra nước ngoài tập trung vào ngành Nông - lâm nghiệp, còn ngành Thủy sản và ngư nghiệp chưa được quan tâm nhiều. Đáng chú ý, có các dự án trồng cây cao su hay cây công nghiệp tại Lào của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

- Lĩnh vực dịch vụ: Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vào lĩnh vực này đa dạng, phong phú nhiều ngành nghề như: Thông tin truyền thông, y tế, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng, bất động sản, kho bãi, giao thông vận tải, giải trí, nghệ thuật… Đáng chú ý nhất trong lĩnh vực này phải kể đến ngành Thông tin truyền thông với số vốn thực hiện trên 500 triệu USD. Điểm sáng về thực hiện hoạt động đầu tư vốn trực tiếp ra nước ngoài trong lĩnh vực này là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel (đã đầu tư và kinh doanh tại 9 quốc gia ở 3 châu lục; Tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài lũy kế đến năm 2016 là 6,5 tỷ USD, riêng năm 2016 đạt 1,4 tỷ USD)…

Vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1
 Được biết, để tạo điều kiện cho các DN đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra định hướng cụ thể như: Ưu tiên các dự án phát huy tiềm năng từ bên ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển của đất nước. Cụ thể là tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế Việt Nam trong đầu tư vào các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, các nước trong khu vực Liên bang Nga...; Từng bước mở rộng đầu tư sang các nước và thị trường mới như Mỹ La tinh, Đông Âu, châu Phi dựa trên cơ sở lợi thế so sánh và thực lực của các thành phần kinh tế Việt Nam.

Với chính sách và định hướng trên, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam đã phát triển rộng khắp trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào đứng thứ nhất trong tổng số 70 quốc gia DN Việt Nam triển khai đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký là trên 5 tỷ USD. Vốn giải ngân của Việt Nam sang Lào đạt khoảng 1,5 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoáng sản, năng lượng, nông nghiệp…

Bên cạnh việc đẩy mạnh và duy trì hoạt động kinh doanh tại các địa bàn truyền thống như Lào, Campuchia, Nga và Angieri, các DN Việt Nam đã khai phá thành công một số thị trường mới có mức độ cạnh tranh và yêu cầu cao về công nghệ như Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, hay một số nước ở Mỹ Latinh như Venezuela, Cuba, Peru, châu Phi và Trung Đông (Mozambique, Iran, Iraq…).

Có thể nói trong những năm qua, tình hình đầu tư vốn trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Số dự án và địa bàn đầu tư đã có sự tăng trưởng nhanh. Từ 18 dự án trước khi ban hành Nghị định 78/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, thì đến tháng 1/2017 đã có 1.188 dự án đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký là gần 21,4 tỷ USD tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các DN Việt Nam đã hoạt động kinh doanh có hiệu quả và dần khẳng định được tên tuổi trên thị trường nước ngoài. Hiện đã có 6 tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam có vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vượt ngưỡng 1 tỷ USD gồm: PVN, Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam; Tổng công ty Sông Đà; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai...

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình đầu tư vốn trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam còn gặp phải một số hạn chế như: Số dự án vẫn còn ít, vốn đầu tư thực hiện thấp và các dự án triển khai khá chậm; Vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam không đều đặn qua các năm; Chất lượng hoạt động của các vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của DN Việt Nam cũng có những hạn chế... 

Để thúc đẩy vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam, trong thời gian tới, cần chú trọng tập trung triển khai những nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế và tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định đầu tư song phương, đa phương nhằm bảo vệ các DN, gỡ bỏ các rào cản khi đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; Tạo cơ chế pháp lý ổn định để giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh.

Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin hữu tích về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cho  các DN.

Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam. Các DN xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, thương hiệu để từng bước nâng cao năng lực quản trị. Cùng với đó, các DN cũng cần nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.        

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam từ 1989 đến 2016 (Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư);

2. Chính phủ: Nghị định 18/2016/NĐ- CP;

3. Các trang điện tử: chinhphu.vn, tapchitaichinh.vn.