Vốn FDI giảm có đáng lo?

Theo daibieunhandandan.vn

7 tháng qua, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tăng thêm, giảm đến 29,8% so với cùng kỳ năm 2014. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế lại đang có dấu hiệu giảm mạnh. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, đây không phải là dấu hiệu xấu và không đáng lo ngại mà việc vốn FDI giảm cũng đồng nghĩa với việc tạo áp lực để thay đổi từ bên trong, tận dụng hiệu quả nguồn lực nội tại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI thực hiện trong tháng 7 đạt khoảng 1,1 tỷ USD, đưa tổng vốn FDI giải ngân trong 7 tháng lên 7,4 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn giải ngân vẫn tăng đều đặn, không có sự tăng hay giảm đột biến trong nhiều năm gần đây.

Tuy nhiên, con số vốn FDI đăng ký trong tháng 7 là 3,3 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ so với tháng 6. Trong 7 tháng, cả nước có 1.068 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 6,92 tỷ USD, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2014, đưa tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm trong 7 tháng lên 8,8 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do vốn FDI tăng thêm giảm mạnh. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khi vốn đăng ký tăng thêm đang có dấu hiệu giảm mạnh.

Cụ thể, trong 7 tháng, có 341 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,88 tỷ USD, giảm đến 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bởi, tuy lượng vốn giải ngân vẫn đang tăng nhẹ, nhưng nếu vốn đăng ký mới vẫn tiếp tục xu hướng giảm sẽ dẫn đến khả năng giải ngân giảm thời gian tới.

Nhận định về vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, vốn FDI giảm sẽ đưa đến hai khả năng nhưng không thực sự là dấu hiệu xấu và không đáng lo ngại như nhiều ý kiến nhận định.

Khi nguồn vốn FDI giảm sẽ tạo ra động lực thay đổi trong việc tìm kiếm những nguồn đầu tư khác thay thế, đặc biệt là tận dụng nguồn lực trong nước; là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tự mình nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.

Theo nhiều nghiên cứu, tiềm năng nguồn lực, tài sản trong nước còn rất lớn, hiện chưa được khai thác, đầu tư dài hạn một cách có hiệu quả. Và, việc tận dụng hiệu quả nguồn lực trong nước sẽ hay hơn nhiều so với phụ thuộc vào FDI.

Hơn nữa, theo đánh giá của Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô Nguyễn Tú Anh, dường như tỷ trọng vốn FDI lớn nhưng tác động của FDI đối với nền kinh tế là rất ít, hiệu quả sử dụng vốn FDI còn thấp. Ông Nguyễn Tú Anh cũng băn khoăn, liệu nền kinh tế nước ta có quá dựa vào FDI không?

Không lo ngại trước tình hình trên, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, điều quan trọng là cần rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách thu hút FDI của nước ta hiện nay thay vì đưa ra các chính sách hạn chế thu hút FDI để tránh phụ thuộc.

Và hơn hết, không nên đặt mình ở vị trí yếu thế để chỉ tập trung tăng lượng vốn FDI mà không quan tâm đến chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. Việc giảm vốn FDI đồng nghĩa với việc tạo áp lực để thay đổi từ bên trong, chứ không nên có tâm lý vì sợ các doanh nghiệp FDI rút vốn mà lập tức điều chỉnh chính sách thu hút.

Trong nền kinh tế, việc thay đổi địa điểm đầu tư là điều tất yếu, không thể tránh khỏi. Nói cách khác, điều đó không có nghĩa là sẽ thắt chặt hay không khuyến khích thu hút FDI mà nền kinh tế cần hướng tới việc sử dụng nguồn vốn này một cách chất lượng và hiệu quả hơn thông qua khuyến khích khu vực FDI hợp tác, chuyển giao tiến bộ công nghệ cho các doanh nghiệp nội địa.

Hơn nữa, việc cần quan tâm là làm sao khuyến khích khu vực trong nước phát triển tương xứng với vai trò của mình và tương thích với khu vực FDI, để đây thực sự là cuộc chơi hai bên cùng có lợi.

Thiết nghĩ, Chính phủ cần cân nhắc, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút FDI, khuyến khích đầu tư trong nước, góp phần ổn định và phát triển kinh tế thời gian tới.