Vốn FDI rót vào Đồng Nai đạt 146% kế hoạch

Theo BT/baochinhphu.vn

Đến nay, tỉnh Đồng Nai có 1.977 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 35 tỷ USD, trong đó số dự án còn hiệu lực là 1.447 dự án với tổng vốn 29,8 tỷ USD.

Sản xuất tại nhà máy của Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia.
Sản xuất tại nhà máy của Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia.

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 10 tháng năm 2019 đã có 190 dự án vốn FDI tiếp tục "rót" vào Đồng Nai với số vốn 1,46 tỷ USD, đạt 146% kế hoạch cả năm,  trong đó có 93 dự án cấp phép mới với số vốn 800 triệu USD và 97 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm gần 670 triệu USD.

Những dự án cấp phép mới và điều chỉnh tăng vốn đều là những dự án có công nghệ cao, sử dụng lao động có tay nghề, dự án công nghiệp hỗ trợ, thân thiện với môi trường.

Điển hình như dự án Công ty TNHH Watakyu Việt Nam (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Amata (TP. Biên Hòa) với vốn đầu tư đăng ký 33 triệu USD; dự án SEA (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch) với vốn đầu tư đăng ký 40 triệu USD; dự án Công ty TNHH Otsuka Techno Việt Nam (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch với vốn đầu tư đăng ký 72 triệu USD.

Hay dự án Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam (nhà đầu tư British Virgin Islands) tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 25 triệu USD; dự án Công ty TNHH Dae Myung Chemical (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Long Thành với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 15 triệu USD...

Đến nay, tỉnh Đồng Nai có 1.977 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 35 tỷ USD, trong đó số dự án còn hiệu lực là 1.447 dự án tổng vốn 29,8 tỷ USD; 530 dự án bị thu hồi tổng vốn 5,3 tỷ USD.

Các dự án đầu tư FDI tại Đồng Nai thuộc các nhà đầu tư đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đầu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.

Việc giải ngân vốn FDI diễn ra khá nhanh. Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết, các doanh nghiệp FDI được cấp phép đầu tư vào tỉnh thường hoàn tất thủ tục hồ sơ nhanh và xây dựng nhà xưởng để đi vào sản xuất. Có những dự án chỉ sau 6-12 tháng cấp phép đầu tư đã đi vào hoạt động.

Những năm gần đây, mặc dù thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai chú trọng nhiều đến ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng và sử dụng ít lao động, chứ không chỉ là vốn đầu tư, nhưng tỉnh vẫn nằm trong tốp 6 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và vẫn là “miền đất hứa” với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Nhiều “ông lớn” trên lĩnh vực công nghiệp đều đã đến tỉnh đầu tư như: Hyosung, Ajinomoto, Kenda, Chang Shin, Pou Chen, Taekwang, Fujitsu, Meggitt, Bosch...

Các nước ASEAN đầu tư vào Đồng Nai hơn 5,32 tỷ USD

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 10 vừa qua, các nước trong khối ASEAN đã đầu tư vào Đồng Nai 150 dự án với tổng vốn đăng ký là hơn 5,32 tỷ USD,  tăng 574 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Hiện mới có khoảng 6 nước trong khối ASEAN đầu tư vào tỉnh là Singapore, Thái Lan, Brunei, Malaysia, Philippines và Indonesia. Trong đó dẫn đầu là Singapore với tổng vốn đăng ký gần 3,6 tỷ USD. Tiếp đến là Thái Lan với tổng vốn gần 1,32 tỷ USD. Các doanh nghiệp ASEAN đầu tư vào Đồng Nai chủ yếu các lĩnh vực bất động sản, hạ tầng các khu công nghiệp, sản xuất công nghiệp.