Vốn ODA đang có xu hướng sụt giảm

Theo infotv.vn

(Tài chính) Trước tình hình vốn vay ODA mà các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam trong những năm gần đây đang có xu hướng sụt giảm, đã có nhiều ý kiến lo ngại đây sẽ là thách thức của Việt Nam trong thời gian tới. 3 năm trở lại đây, vốn ODA chúng ta nhận được ngày một ít hơn và những cơ chế ưu đãi cho vay cũng “vơi” đi đáng kể.

 Vốn ODA đang có xu hướng sụt giảm
Vốn ODA nhận được ngày một ít hơn và những cơ chế ưu đãi cho vay cũng “vơi” đi đáng kể. Nguồn: internet
Hiệu quả thấp

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Việt Nam đã bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình. Nguồn viện trợ sẽ giảm dần về số lượng và mức độ ưu đãi trong thời gian tới. Các khoản vốn vay ưu đãi (IDA) có lãi suất thấp nhất sẽ ít đi và tỷ trọng nguồn vốn tín dụng có lãi suất thấp cho các nước đang phát triển (IBRD) sẽ tăng lên (lãi suất IBRD cao hơn IDA).

Trong thời gian tới, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ được ưu tiên sử dụng trên cơ sở các nguyên tắc là hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015 và 2016 - 2020), trong đó tập trung ưu tiên thực hiện 3 đột phá lớn hỗ trợ thực hiện Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011-2020.

Bên cạnh đó, Việt Nam xác định ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng, khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại.

Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho rằng vì Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nên ODA sẽ giảm và cách cung cấp ODA cũng sẽ thay đổi. Do vậy, cần xem xét tới các nguồn lực tài chính khác cũng như xây dựng các mối quan hệ đối tác mới đồng thời phát triển năng lực trong lĩnh vực này.

“Với những tiến bộ trong tương lai, chính Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tài trợ. Trước hết là trong việc chia sẻ kiến thức và chuyên môn với những nước khác về kinh nghiệm của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo và phát triển xã hội. Việt Nam cũng có khả năng đóng góp ODA”, bà Mehta nói.

Đối với Việt Nam, đáng lo hơn cả là vay nợ nhưng làm ăn kém hiệu quả và khả năng trả nợ ngày càng khó khăn hơn. Nguy cơ đã thấy rõ không giữ nổi tài chính quốc gia trong ngưỡng an toàn. Thiếu hụt ngân sách ngày càng tăng, tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước thực hiện so với tỷ lệ ngân sách Quốc hội biểu quyết thường cách xa nhau khoảng 20%.

Bội chi ngân sách, mất cân đối, cán cân thương mại, bộ máy Nhà nước cồng kềnh, ngày càng phình to, tệ nạn lãng phí, tham nhũng thể hiện rõ nhất qua chỉ số ICOR cao ngất ngưởng. Trong lĩnh vực giao thông tính bình quân đầu tư 1 km đường cao tốc ở Việt Nam thuộc loại đắt nhất trên thế giới nhưng chất lượng mau hỏng nhất !?

Vốn tăng, nợ công kém an toàn

Sự cẩn trọng với ODA của Hàn Quốc được giải thích là bởi cơ chế cho vay với những ràng buộc chặt chẽ khiến cho ODA bộc lộ không ít mặt trái. Một chuyên gia phân tích, rủi ro trước hết đến từ quy định bắt buộc sử dụng nguyên vật liệu cho đến đơn vị thi công, tư vấn giám sát, thiết kế… của nước viện trợ ODA với chi phí cao.

Hệ quả là chúng ta nhận được nhiều, nhưng trả lại cũng tương đối. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm Việt Nam đã thu hút xấp xỉ 72 tỷ USD vốn ODA. Nguồn vốn vay này, một cách trực tiếp đã góp phần đẩy nợ công tại Việt Nam rơi vào mức kém an toàn, không thể tính chính xác quy mô cũng như khả năng trả nợ.

 Không những vậy, vị thế của quốc gia ở “chiếu dưới” trong tiếp nhận ODA cũng khiến Việt Nam phải nhượng bộ chấp nhận nhiều yêu cầu có lợi cho quốc gia viện trợ như bỏ dần hàng rào thuế quan bảo hộ các ngành sản xuất non trẻ, có cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với các dự án FDI lớn của nước cho vay theo hướng có lợi cho họ, trong khi mục đích chính của thu hút FDI là chuyển giao công nghệ thì không nhận lại được bao nhiêu…

GS. Shin Shang Hyup – Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc), chia sẻ sở dĩ Hàn Quốc không quá phụ thuộc vào vốn vay ODA hay thu hút FDI là bởi Chính phủ đã lấy nguồn lực trong nước là động lực để phát triển, kết quả là tạo ra lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã sánh ngang tầm thế giới.

Hiện các doanh nghiệp tư nhân lớn chiếm khoảng 1,5% tổng số doanh nghiệp của Hàn Quốc song tạo ra tới 45% tổng sản lượng của quốc gia này, phần còn lại thuộc về 94% doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các thành phần khác.

20 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến những đổi thay toàn diện trong đời sống kinh tế và xã hội. Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình vào năm 2010 và mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 1.600 USD. Tuy nhiên, một số ngành chủ đạo vẫn giải ngân nguồn vốn ODA rất chậm. Vì vậy, về dài hạn, theo các nhà tài trợ Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục, mới tạo được lòng tin cho các nhà tài trợ.

Theo Chuyên gia tư vấn xây dựng năng lực và cải thiện phối hợp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) TS. Dương Đức Ưng, để sử dụng vốn ODA hiệu quả, thứ nhất cần thông minh trong việc lựa chọn đồng tiền vay, như có thể vay euro, yen thay vì chỉ vay USD như hiện nay. Thứ hai, cần lựa chọn đưa ODA vào đâu và có giải pháp gì làm cho việc sử dụng ODA hiệu quả hơn