WB dự báo kinh tế Việt Nam 2013: Rủi ro số 1 là lạm phát

Theo Báo Đầu tư

Các chuyên gia kinh tế cả trong nước và nước ngoài chưa thấy rõ các dấu hiệu về sự ổn định trong kinh tế vĩ mô của năm 2013.

WB dự báo kinh tế Việt Nam 2013: Rủi ro số 1 là lạm phát
Cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ đi nhanh hơn nếu thông tin minh bạch
Một bức tranh, hai cách nhìn

Hai chỉ tiêu dự báo chính của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là tăng trưởng GDP và lạm phát, tương ứng là 5,5% và 8%, đều trùng khớp với chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 đã được Quốc hội Việt Nam thông qua. Tuy nhiên, các con số này không phải  là mối quan tâm chính của giới chuyên gia kinh tế Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở cách thức  tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, chứ không phải là những mục tiêu mang tính tuyệt đối. Theo nguyên tắc đó, ông Lưu Bích Hồ lo ngại về tình thế nhùng nhằng của kinh tế Việt Nam trong năm 2013, sự tái diễn của bất ổn kinh tế vĩ mô, trong đó, rõ nhất là tình hình lạm phát.

Thực ra, trong dự báo của WB, theo phân tích của ông Deepark Mishra, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, cho tới thời điểm này, mặc dù lạm phát năm 2012 đã được chốt ở con số 6,81%, tỷ giá VND/USD khá ổn định, dự trữ ngoại tệ theo tháng nhập khẩp tăng, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư…, song câu hỏi Việt Nam đã ổn định kinh tế vĩ mô chưa, lại không thể trả lời.

GDP toàn cầu năm 2013 tăng trưởng khoảng 2,4%; 3,1% vào năm 2014 và 3,3% vào năm 2015.

GDP của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tăng 7,9% trong năm 2013 trước khi bình ổn ở mức 7,5% cho đến năm 2015.

Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 8,4% trong năm 2013, sau đó giảm xuống 7,9% cho đến năm 2015.

Triển vọng tăng trưởng của khu vực dễ bị tổn thương trước những diễn biến liên quan đến dòng vốn không ổn định, bong bong tài sản, tăng trưởng tín dụng cao và rủi ro luồng vốn đột ngột rút đi.

Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương sẽ hưởng lợi từ các thị trường vốn có chiều sâu và thực hiện các chính sách tỷ giá linh hoạt để phát triển các công cụ hữu hiệu, nhằm quản lý các nhu cầu và dòng vốn không ổn định.

Nguồn: Triển vọng kinh tế thế giới 2013 do WB công bố tại Việt Nam ngày 21/1/2013.

“Trong cảm nhận của người dân về những vấn đề họ quan ngại, thì chi phí sống được đưa lên hàng đầu. Mối quan tâm về thu nhập rơi xuống gần chót trong bảng 10 chỉ tiêu được WB khảo sát. Rõ ràng, người dân đang quan tâm tới yếu tố ổn định hơn là tăng trưởng trong bối cảnh chi phí sống đang lệ thuộc rất lớn vào lạm phát”, ông Deepark Mishra phân tích.

Trong số các rủi ro với nền kinh tế Việt Nam mà WB dự báo, lạm phát cũng được xếp hàng số một, cao hơn các yếu tố khác như mức dự trữ ngoại tệ thấp hơn so với quốc tế,  chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng xấu đi…

“Rủi ro lạm phát của Việt Nam có thêm yếu tố liên quan đến cách kiểm soát lạm phát. Khi có lạm phát cao, Chính phủ có xu hướng áp dụng các biện pháp hành chính để ổn định giá cả. Cách làm này có thể ổn định được trong thời gian ngắn, nhưng lại làm lạm phát tăng cao và mất ổn định trong trung hạn”, ông Deepark Mishra nói trên cơ sở phân tích hai nhóm sản phẩm được định giá bởi thị trường và nhóm có giá cả được quản lý một cách hành chính gồm dịch vụ y tế và sức khoẻ, năng lượng, giáo dục và giao thông. “Nhóm hành chính” thường có mức lạm phát cao hơn và biến động lớn hơn so với “nhóm thị trường”. 

Cách thức kiểm soát này cũng đang khiến các chuyên gia WB lo ngại, khi những dấu hiệu của việc nới lỏng chính sách đã bắt đầu xuất hiện trong tháng cuối của năm 2012, rõ nhất là tăng trưởng tín dụng khi kết thúc năm, với con số tăng trưởng được công bố đạt khoảng 8,91%. Con số này là khá lớn, khi vào thời điểm 20/12/2012, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 6,45% so với cuối năm 2011 và ước cả năm khi đó chỉ đạt khoảng 7%.

Nguyên nhân chu kỳ hay tái cấu trúc

Đặt câu hỏi, tăng trưởng chậm lại của Việt Nam là chu kỳ hay do cấu trúc? Không đưa ra câu trả lời cụ thể, nhưng các chuyên gia WB cũng đã hàm ý khá rõ quan điểm khi đưa ra khuyến nghị rằng, nếu những vấn đề của kinh tế Việt Nam thuộc về lý do cơ cấu, thì những giải pháp ngắn hạn, mang tính xử lý chu kỳ sẽ không phải là liều thuốc kinh tế Việt Nam đang cần.

Ngay cả mức lạm phát cũng đang được cho là có thể bật trở lại mức 13-14% vào năm 2013, nếu việc nới lỏng chính sách không có những xử lý khéo léo và không gắn với các vấn đề thuộc về cải cách cơ cấu nền kinh tế.

Hơn thế, trong bối cảnh tăng trưởng của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương chỉ khoảng 7,5% trong năm nay với các lý do cầu giảm bởi khủng hoảng tài chính, ông Andrew Burns, Trưởng nhóm kinh tế vĩ mô, tác giả chính báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2013, cũng nhấn mạnh rằng, nếu Việt Nam muốn tăng trưởng mạnh hơn, kể cả mức 6%, thì sẽ phải thông qua kênh cung chứ không phải cầu. “Việc nâng cao tiềm năng cung được thực hiện thông qua duy trì sự bền vững của kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng quản trị và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục”, ông Andrew Burns phân tích.

Tuy nhiên, các bước tái cơ cấu khá chậm hiện lại đang khiến giới chuyên gia kinh tế lo ngại. Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Việt Nam đặt vấn đề thẳng thắn: “Các bước tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ rất khó có bước tiến nếu không có những cải cách chính sách mang tính căn bản, những thay đổi về thể chế”.

Bình luận về các vấn đề này, các chuyên gia WB đặt kỳ vọng lớn vào kết quả sẽ có trong năm 2013 trong thực hiện tái cơ cấu ngành tài chính, nhất là giải quyết nợ xấu và khu vực doanh nghiệp nhà nước khi các kế hoạch, tiến trình đã được đưa ra khá rõ, điều chưa thấy được trong năm 2012. Tuy vậy, ông Deepark Mishra đã nhắc lại cam kết của Chính phủ trong việc công khai thông tin và kết quả cải cách doanh nghiệp nhà nước và thực tế thực hiện chưa thấy rõ.

“Minh bạch không phải là giải pháp duy nhất, nhưng là cách tốt nhất để tìm ra giải pháp tốt hơn. Các câu hỏi như, tái cơ cấu có thể giải quyết các vấn đề của Việt Nam hay không sẽ chỉ được trả lời khi các thông tin được minh bạch”, ông nói và nhắc tới trường hợp tái cơ cấu Vinashin từ năm 2010 đến nay vẫn chưa có kết quả được công bố. “Chúng tôi muốn biết hướng giải quyết cho Vinashin còn với lý do là, các doanh nghiệp khác sẽ có bài học về bước đi khi nhìn vào trường hợp này”, ông Deepark Mishra nói.