Xây dựng cơ chế đặc thù cho Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Việt Nam sẽ chủ trì xây dựng một thỏa thuận khung nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại cho Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV).

Xây dựng cơ chế đặc thù cho Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Hội nghị Ủy ban Điều phối chung lần thứ 9 Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại Siem Riap. Nguồn: Baodautu.vn

Các chủ tịch Ủy ban Điều phối Khu vực Tam giác phát triển CLV tại Hội nghị Cấp bộ trưởng lần thứ 9 tổ chức cuối tuần qua tại TP. Siem Reap (Campuchia) đã nhìn nhận tầm quan trọng của việc nhanh chóng thiết lập những chính sách hỗ trợ và ưu đãi đặc thù để khai thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực chính phủ, đầu tư tư nhân và viện trợ quốc tế cho Tam giác phát triển này.

Theo báo cáo trình bày tại Hội nghị, trong giai đoạn 2011 - 2013, tốc độ tăng trưởng GDP của Tam giác phát triển CLV đạt bình quân 10%/năm, trong đó 4 tỉnh của Campuchia đạt trên 10%/năm, các tỉnh của Lào tăng 14%/năm và các tỉnh của Việt Nam đạt trên 9%/năm.

Do điểm xuất phát thấp và quy mô kinh tế còn nhỏ so với mỗi nước, nên GDP bình quân đầu người năm 2013 trong Tam giác phát triển CLV mới đạt 1.340 USD, bằng 76,6% so với mức bình quân chung của ba nước, trong đó, 4 tỉnh của Campuchia đạt 750 USD, bằng 72% so với bình quân cả nước; 4 tỉnh của Lào đạt 1.380 USD, bằng 92% và 5 tỉnh của Việt Nam đạt 1.415 USD, bằng 74,5%.

Về đầu tư trực tiếp vào Khu vực Tam giác phát triển CLV, tính đến cuối năm 2013, Việt Nam đã có 37 dự án đầu tư tại các tỉnh Tam giác phát triển thuộc Campuchia, với tổng vốn đầu tư 2,02 tỷ USD (chiếm 29,4% số dự án và 68% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Việt Nam sang Campuchia). Các dự án này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực trồng cây công nghiệp, xây dựng, khai khoáng và thủy điện.

Đối với các tỉnh Tam giác phát triển thuộc Lào, Việt Nam đã đầu tư 60 dự án, với tổng vốn đầu tư 2,15 tỷ USD, chiếm 26% tổng số dự án và 47,6% tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào Lào. Các dự án này tập trung chủ yếu vào trồng cao su và cây lấy gỗ, khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất điện.

Về nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), cho đến nay mới có khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 20 triệu USD của Chính phủ Nhật Bản dành cho Tam giác phát triển CLV, tập trung chủ yếu vào các dự án quy mô nhỏ để nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng trường học và trạm y tế trong khu vực.

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Điều phối Việt Nam khẳng định, những kết quả đạt được trong việc thực hiện Quy hoạch Tổng thể Khu vực Tam giác phát triển CLV giai đoạn 2011 - 2013 là tích cực và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn chung, kết quả còn khiêm tốn do những hạn chế về nguồn lực để cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong khi các chính sách không đồng bộ và chưa đủ hấp dẫn, nên chưa tạo được bước đột phá lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và rút ngắn khoảng cách phát triển của khu vực này với tốc độ chung của ba nước.

“Việc xây dựng một thỏa thuận khung với các chính sách thông thoáng và hiệu quả sẽ giúp ba nước đẩy mạnh khai thác hiệu quả và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn ODA cho phát triển kinh tế - xã hội của Khu vực Tam giác phát triển CLV, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực lợi thế nhất trong khu vực là trồng và chế biến cao su”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Sáng kiến đưa Tam giác phát triển CLV thành một trung tâm trồng, chế biến và xuất khẩu cao su tầm cỡ thế giới được thông qua tại Hội nghị Ủy ban Điều phối chung lần thứ 8, được tổ chức tại tỉnh Kon Tum vào năm 2012. Hiện tại, phía Việt Nam tiếp tục triển khai quy hoạch tổng thể vùng trồng và chế biến cao su tại Tam giác phát triển CLV và đề xuất các dự án ưu tiên thu hút vốn FDI để trồng, chế biến cao su và xuất khẩu trực tiếp cho 24 hãng ô tô hàng đầu thế giới. Đồng thời, phía Việt Nam cam kết sẽ tổ chức các đoàn khảo sát và chia sẻ kinh nghiệm cho phía Campuchia và Lào tới các địa điểm trồng và chế biến cao su điển hình của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Sun Chanthol, Chủ tịch Ủy ban Điều phối CLV của Campuchia và Bộ trưởng Bộ hoạch và Đầu tư Lào Somdy Douangdy, Chủ tịch Ủy ban Điều phối CLV của Lào khuyến nghị phía Việt Nam sớm triển khai xây dựng thỏa thuận khung thúc đẩy đầu tư và thương mại vào Tam giác phát triển CLV để được xem xét và thông qua tại Hội nghị Điều phối chung lần thứ 10, dự kiến tổ chức tại Lào trong năm 2015.

Tại hội nghị lần này, hai chủ tịch Ủy ban Điều phối CLV của Campuchia và Lào cũng đã đánh giá cao sáng kiến và thành công của phía Việt Nam trong việc lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Đối tác phát triển cho khu vực Tam giác phát triển CLV tại tỉnh Đắk Lắk vào tháng 4/2014, với sự tham gia của 170 đại biểu và đại diện các đối tác phát triển, bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Hàn Quốc. Diễn đàn này đã được các bộ trưởng thống nhất sẽ tổ chức luân phiên hai năm một lần giữa ba nước.