Xây dựng đặc khu kinh tế là chủ trương nhất quán

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về Phát triển đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và Cơ hội, đang diễn ra tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, việc xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Xây dựng đặc khu kinh tế là chủ trương nhất quán
Vân Đồn (Quảng Ninh) sẽ được xây dựng thành một trong ba khu kinh tế tiêu biểu đầu tiên của Việt Nam. Nguồn: internet

Theo ông Huệ, Kết luận số 74-KL/TW ngày 17/10/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 Khóa XI đã ghi rõ: “Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Ba khu kinh tế tiêu biểu đầu tiên gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) đã được lựa chọn.

“Đặc khu kinh tế là nơi thử nghiệm các thể chế, chính sách mới trước khi áp dụng cả nước, nhưng cho đến nay, ở Việt Nam chưa có đặc khu nào được xây dựng theo đúng nghĩa của nó, dù Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển”, ông Huệ nói.

Nhắc tới câu chuyện phát triển các khu kinh tế, với ý tưởng bắt đầu tư tháng 12/1997 và cho đến nay, cả nước đã có 15 khu kinh tế ven biển, với diện tích 54.000 ha, ông Huệ cho biết, mặc dù các khu kinh tế này đã đạt được những kết quả nhất định về thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng.

“Thể chế ở các khu kinh tế này tuy có vượt trội so với các khu công nghiệp, nhưng chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất nên so với các khu thương mại tự do trong khu vực và trên thế giới còn nhiều bất cập không đủ sức cạnh tranh”, ông Huệ nói.

Cũng theo ông Huệ, điểm đáng nói ở các khu kinh tế hiện tại là cho đến nay, hầu như chưa có những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thực hiện đầu tư ở các khu kinh tế này. Một số nhà đầu tư đã thực hiện các dự án đầu tư lớn nhưng ít có dự án đầu tư với công nghệ hiện đại.

Dẫn thực tế này, ông Huệ một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải xây dựng các đặc khu kinh tế ở Việt Nam.

Đây cũng là điều được bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội, nhắc tới khi phát biểu khai mạc Hội thảo.

Theo bà Ngân, dù việc xây dựng các đặc khu kinh tế đã được Trung ương Đảng, Quốc hội đưa vào các văn kiện từ 20 năm trước, nhưng cho đến nay, chưa có đặc khu nào được thành lập. Việc thành lập các khu kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra.

“Việt Nam đang chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nên Trung ương Đảng đã chỉ đạo xây dựng 3 đặc khu kinh tế ở 3 miền nhằm tạo động lực phát triển trong vùng và cả nước”, bà Ngân nói và bày tỏ quan điểm rằng, đặc khu kinh tế dù là mô hình đã phát triển được 30 năm trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn còn quá mới. Do đó, không tránh khỏi khó khăn, lúng túng và cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực.

“Các vấn đề như lựa chọn địa điểm, các ưu tiên phát triển, thể chế hành chính tinh gọn, hiệu quả, vai trò của người đứng đầu, cơ chế chính sách để hấp dẫn nhà đầu tư… rất cần được làm rõ để có thể phát triển các đặc khu kinh tế”, bà Ngân khẳng định.

Trong khi đó, theo ông Vương Đình Huệ, để có thể phát triển các đặc khu kinh tế, thì phải sớm xây dựng, thông qua Luật về Đặc khu kinh tế (hoặc Luật về đặc khu hành chính - kinh tế), đã có trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII.

Bên cạnh đó, xác định những vị trí có lợi thể địa kinh tế thuận lợi nhất để xây dựng các đặc khu kinh tế. Ngoài 3 khu nói trên những địa điểm có thể lựa chọn các địa điểm khác để phát triển. Tuy nhiên, những đặc điểm có lợi thế ở từng khu vực, từng địa điểm cần được nghiên cứu, khảo sát cụ thể, và quảng bá với các nhà đầu tư nước ngoài.

Để phát triển các đặc khu kinh tế, theo ông Huệ, việc tìm kiếm, vận động các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có ảnh hưởng và sức mạnh tài chính, công nghệ cũng là biện pháp quan trọng.

“Chính phủ Việt Nam trực tiếp gặp gỡ và mời các nhà đầu tư chiến lược vào Việt Nam. Sự cam kết của Chính phủ đối với các nhà đầu tư nước ngoài về các vấn đề mà họ quan tâm có tầm quan trọng quyết định”, ông Huệ khẳng định.

Bên cạnh đó, theo ông Huệ, phải xây dựng và ban hành các thể chế hành chính và kinh tế của các đặc khu theo hướng hiện đại, mang tầm quốc tế, có sức cạnh tranh vượt trội với các đặc khu đã hình thành trên thế giới.

“Trong các thể chế, những cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài phải được xem trọng nhất”, ông Huệ nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, phải có thể chế hiện đại, vượt trội thì mới có thể phát triển được đặc khu kinh tế. “Nếu không có thể chế vượt trội, liệu các nhà đầu tư nước ngoài có chọn mình hay không”, ông Thắng đặt câu hỏi và một lần nữa nhấn mạnh rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không vào Việt Nam chỉ vì các lời kêu gọi mang tính chất khẩu hiệu.

“Vì thế, chúng ta phải thống nhất với nhau rằng, trước tiên phải thay đổi thể chế và tôn trọng nguyên tắc thị trường”, ông Thắng nói.

Thậm chí, một cách thẳng thắn, ông Thắng cho rằng, đã làm đặc khu kinh tế thì không thể sợ sai. “Sai rồi sẽ sửa. Nhưng nếu không làm, thì làm sao có thể bứt phá được trong điều kiện thể chế hiện nay. Đây chính là đột phá để phát triển”, ông Thắng nói.

Quan điểm của ông Thắng cũng đồng nhất với sự chia sẻ kinh nghiệm của bà Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc, khi bà này cho biết, một trong những kinh nghiệm hàng đầu của quốc gia này trong phát triển đặc khu kinh tế Thâm Quyến chính là “dám làm và không sợ sai”.

Trong khi đó, ông Andrew Grant, Giám đốc hợp danh cao cấp, lãnh đạo toàn cầu Khối Khu vực công Tập đoàn Mc Kinsey Singapore, cũng đã thẳng thắn chia sẻ, có tới 50% đặc khu kinh tế trên thế giới được xây dựng mà thất bại. Vì thế, có rất nhiều thách thức để phát triển đặc khu kinh tế một cách đúng đắn.

“Cần rất nhiều thời gian và bài học đắt giá để có thể đạt được thành công”, ông Andrew Grant nói.

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính đã bày tỏ hy vọng rằng, thông qua Hội thảo, Quảng Ninh gửi thông điệp về khát vọng xây dựng một Đặc khu kinh tế Vân Đồn, có rất nhiều tiềm năng để phát triển nhưng chưa có đủ cơ chế, chính sách hấp dẫn để phát triển.

Ông Phạm Minh Chính đã gửi thông điệp về khát khao của tỉnh trong việc phát triển Vân Đồn trở thành một đặc khu kinh tế, để tạo động lực tăng trưởng cho Quảng Ninh.

Theo ông Chính, Vân Đồn có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để phát triển.

Để xây dựng thành công các đặc khu kinh tế trong thời gian tới, phải hành động cụ thể, sớm xây dựng, thông qua Luật về Đặc khu kinh tế (hoặc Luật về đặc khu hành chính – kinh tế), đã có trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội, khẳng định, Hội thảo là diễn đàn quan trọng để trao đổi, chia sẻ các bài học kinh nghiệm.

"Việt Nam chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, chỉ đạo xây dựng 3 đặc khu kinh tế ở 3 miền nhằm tạo động lực phát triển trong vùng và cả nước. Mô hình này đã phát triển 3 thập kỷ, nhưng đối với Việt Nam, mô hình đặc khu kinh tế vẫn còn mới mẻ, không tránh khỏi khó khăn, lúng túng trong triển khai. Vì thế, cần lựa chọn địa điểm, các ưu tiên phát triển, thể chế hành chính tinh gọn, hiệu quả, vai trò của người đứng đầu, cơ chế chính sách để hấp dẫn nhà đầu tư", bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.