Xây dựng hàng rào kỹ thuật trong thương mại hàng hóa và các vấn đề cần lưu ý

ThS. Đặng Thị Tố Tâm - Học viện Chính trị khu vực I

Nghiên cứu hàng rào phi thuế quan nói chung và hàng rào kỹ thuật trong thương mại nói riêng giúp chúng ta tìm ra hướng tiếp cận tối ưu thị trường quốc tế và khu vực. Bài viết đưa ra khung lý thuyết về hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế và gợi mở một số vấn đề trong việc hoàn thiện hệ thống các công cụ bảo hộ phi thuế quan ở nước ta trong điều kiện hội nhập.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế

Thuế quan và phi thuế quan là 2 công cụ bảo hộ sản xuất quan trọng đối với mọi quốc gia. Hàng rào thuế quan là công cụ bảo hộ đã được các định chế thương mại quốc tế thừa nhận. Khi hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực các nước phải cam kết cắt giảm dần thuế suất về mức 0%.  Mục tiêu của hàng rào phi thuế quan là nhằm hạn chế nhập khẩu, một quốc gia khi sử dụng hàng rào phi thuế quan thực chất là công cụ bảo hộ cho nền sản xuất của chính quốc gia đó.

Hàng rào phi thuế quan có 2 nhóm chính là: (i) Hàng rào hành chính; (ii) Rào cản kỹ thuật.

Thứ nhất, hàng rào hành chính là các quy định có tính chất mệnh lệnh hành chính nhà nước nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Hàng rào hành chính bao gồm các quy định pháp luật về cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, giấy phép, hạn ngạch, hạn chế xuất khẩu tự nguyện, tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc.

Thứ hai, rào cản kỹ thuật bản thân nó chỉ là những quy chuẩn kỹ thuật do một quốc gia quy định đối với hàng hóa. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nó lại được sử dụng như là một cách thức để cản trở hàng hóa nhập khẩu vào thị trường nội địa. Bởi vậy, những quy chuẩn kỹ thuật này được gọi là rào cản kỹ thuật. Ngoài 2 nhóm hàng rào phi thuế quan trên, còn có những rào cản phi thuế quan không chính thống khác như sự không rõ ràng của các quy định về xuất xứ hàng hóa, sự chậm trễ trong thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa của cơ quan hải quan…

Đối với các nước đang, có một cán cân thanh toán bị thâm hụt và một nguồn ngân sách hạn hẹp vốn được tài trợ chủ yếu thông qua thuế và vay nợ nước ngoài, để tránh tình trạng này, các quốc gia có thể áp dụng nhiều hình thức bảo hộ khác nhau nhằm phát triển những ngành hàng thay thế nhập khẩu hoặc hướng về xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết, hạn chế chi tiêu ngoại tệ và thu về nhiều hơn thông qua xuất khẩu.

Đối với các quốc gia có tiềm lực về kinh tế, các biện pháp bảo hộ được duy trì như một công cụ chính trị để gây sức ép với các quốc gia khác. Mặc dù đây là mục đích cá biệt trong xu thế phát triển theo hướng đa cực của thế giới song hiện tượng này đã và đang tiếp tục xảy ra. Đơn cử như Mỹ là quốc gia lạm dụng công cụ bảo hộ nhiều nhất để đơn phương gây sức ép với các quốc gia khác. Trong luật pháp Mỹ có nhiều điều khoản đặc biệt cho phép Quốc hội đưa ra những biện pháp thương mại đơn phương đối với bất cứ quốc gia nào được coi là có thể đe dọa đến vấn đề an ninh của nước Mỹ.

Ở Mỹ, các quy định về kỹ thuật được áp dụng vì các mục đích an toàn hoặc sức khỏe đối với những sản phẩm nhập khẩu với số lượng lớn. Hệ thống các quy định về tiêu chuẩn và kỹ thuật có thể do ủy ban cố vấn khu vực tư nhân cấp liên bang, tiểu bang đưa ra. Các tiêu chuẩn bắt buộc về sản phẩm có thể trở thành tiêu chuẩn kỹ thuật khi các cơ quan đề ra quy định lựa chọn áp dụng chúng một cách bắt buộc.

Cục Hải quan Mỹ chịu trách nhiệm thi hành các điều khoản kỹ thuật tại cửa khẩu, phối hợp với các cơ quan chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm quy định. Các mặt hàng nhập khẩu có thể bị từ chối không được nhập khẩu nếu chúng không đáp ứng được một tiêu chuẩn quy định nào đó. Chẳng hạn như các quy định về môi trường liên quan tới thương mại, theo Đạo luật bảo vệ động vật biển có vú (MMPA) ở Mỹ, một lệnh cấm được áp dụng với việc nhập khẩu cá ngừ từ những nước không thể bảo vệ cá heo khi đánh bắt cá ở vùng biển nhiệt đới đông Thái Bình Dương. Theo luật MMPA đã được sửa đổi năm 1997 để thực hiện Hiệp định quốc tế trong khuôn khổ nhiều dự án về bảo tồn và phát triển tổng hợp (IDCP), một nước có thể xuất khẩu cá ngừ vây vàng vào Mỹ nếu nước đó cung cấp được những bằng chứng chứng minh rằng nước đó tham gia vào IDCP và có thực hiện một số biện pháp bảo tồn khác. Để đáp ứng được những quy định này, nước xuất khẩu cá ngừ vào Mỹ, sản phẩm phải được dán mác “cá heo an toàn” do Bộ Thương mại Mỹ cấp.

Thực tế áp dụng hàng rào kỹ thuật thương mại hàng hóa tại Việt Nam

Ở Việt Nam, các biện pháp áp dụng hàng rào kỹ thuật trong thương mại hàng hóa còn hạn chế và chưa có tác dụng bảo hộ. Cụ thể:

Một là, các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục xác định sự phù hợp. Các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục xác định sự phù hợp được quy định bởi Tổng cục Đo lường và Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Một số văn bản  liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng đã được Việt Nam đưa vào áp dụng với trên 5.600 tiêu chuẩn chung, cùng với khoảng 4.000 tiêu chuẩn do các Bộ, ngành ban hành. Các tiêu chuẩn này chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do trình độ quản lý cũng như khả năng áp dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại ở nước ta còn hạn chế nên công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa chưa được thực hiện tốt, mục tiêu loại trừ những mặt hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường chưa được đảm bảo.

Bên cạnh đó, nhiều tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đã trở nên lạc hậu. Thông thường sau 5 -  6 năm, các tiêu chuẩn chất lượng phải được xem xét để sửa đổi cho phù hợp nhưng Việt Nam có nhiều tiêu chuẩn tồn tại trên 20 năm vẫn chưa thay đổi. Trong vài năm gần đây, việc xây dựng các TCVN theo hướng tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế đã được đẩy mạnh, tuy nhiên tốc độ xây dựng các TCVN vẫn còn thấp do kinh phí hạn hẹp, trong khi nhiều văn bản của các bộ, ngành chưa được sửa đổi, bổ sung.

Hai là, kiểm dịch động, thực vật. Pháp lệnh về Thú y ngày 15/2/1993 và Nghị định số 93/1993/NĐ-CP ngày 27/11/1993 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thú y quy định: Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến công tác thú y trên lãnh thổ Việt Nam “không được làm lây lan dịch bệnh gây hại cho... môi trường sinh thái”, “nước sử dụng, hệ thống thoát nước thải..., đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y”. Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật cũng quy định cụ thể tại hệ thống các văn bản như: Quy định 28/TTg ngày 13/01/1997 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 02/NN-XNK/TT ngày 03/3/1997 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 41/2000/TT-BNN-KH ngày 13/4/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc diện quản lý ngành nông nghiệp; Pháp lệnh bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 25/7/2001; Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo vệ thực vật, Điều lệ Kiểm dịch thực vật và Điều lệ Quản lý thuộc bảo vệ thực vật...

Ba là, yêu cầu ghi nhãn và đóng gói hàng hóa.Ngày 30/8/1999, quy chế ghi nhãn và đóng gói hàng hóa được ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định, từ ngày 1/3/2000 các loại hàng hóa sản xuất tại nước ngoài được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đều phải ghi nhãn hàng hóa. Theo quy chế này, hàng hóa nhập khẩu phải tuân thủ quy định về ghi nhãn như sau: Ghi trên phần nhãn nguyên gốc các thông tin thuộc nội dung bắt buộc (tên hàng hóa, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu, chất lượng chủ yếu, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, xuất xứ của hàng hóa) bằng tiếng Việt hoặc làm nhãn phụ ghi những thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt đính kèm theo nhãn nguyên gốc của hàng hóa trước khi đem ra bán trên thị trường.

Bốn là, quy định về môi trường. Trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng nâng cao mức độ hài hòa tiêu chuẩn với khu vực và quốc tế. Có thể nói hài hòa tiêu chuẩn là tiền đề nâng các TCVN thành một hệ thống tiêu chuẩn có trình độ khoa học kỹ thuật cao ngang tầm với khu vực và quốc tế. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chương trình về môi trường nhưng chưa thực sự gắn kết chặt chẽ giữa môi trường với hoạt động thương mại, đặc biệt là chưa xây dựng được một chương trình quản lý và cấp nhãn sinh thái đối với hàng hóa tiêu dùng, mặt khác đây cũng là một hàng rào phi thuế quan bảo vệ thị trường nội địa.

Năm là, các tiêu chuẩn kỹ thuật khác. Bên cạnh các quy định trên, Việt Nam còn có các quy định khác như: Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành (số 13/1999/PL-UBTVQH10, ngày 27/4/1999); Quyết định số 928/2002/QĐ-BYT ngày 21/3/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm; Nhiều quy định khác liên quan đến sản xuất, chế biến, lắp ráp, nuôi trồng thủy sản, quy định về hạn dùng, khai thác. Các biện pháp liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật nói trên những năm qua mới ở giai đoạn khởi động chưa thực sự trở thành các biện pháp phi thuế quan sử dụng trong hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế.

Một số vấn đề cần lưu ý

Việt Nam đã có một số cơ chế, chính sách áp dụng các tiêu chuẩn rào cản kỹ thuật nhưng trong quá trình triển khai trên thực tế việc áp dụng những hàng rào kỹ thuật này còn khá hạn chế và không có tác dụng bảo hộ đối với hàng hóa trong nước. Để khắc phục tình trạng này cần lưu ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, về quy định tiêu chuẩn và kỹ thuật.

Theo Phụ lục 1 của Hiệp định về các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các yêu cầu có thể liên quan tới kích thước, hình dáng, thiết kế, độ dài và các chức năng của sản phẩm. Các yêu cầu này cũng có thể quy định về nhãn mác, đóng gói, ký hiệu sản phẩm và mở rộng tới các quy trình và phương pháp sản xuất liên quan tới sản phẩm. Nếu một sản phẩm nhập khẩu không đáp ứng các yêu cầu của quy định kỹ thuật sẽ không được phép bán ra thị trường để bảo vệ sức khỏe cho người dân cũng như bảo vệ môi trường.

Thứ hai, các thủ tục đánh giá sự phù hợp của sản phẩm.

Các thủ tục đánh giá sự phù hợp của sản phẩm bao gồm xét nghiệm, thẩm tra xác thực, kiểm định, chứng nhận. Những thủ tục này được sử dụng để đảm bảo rằng các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.

Thứ ba, biện pháp kiểm dịch động vật và thực vật.

Một trong những cam kết của Việt Nam với WTO là thực thi đầy đủ các quy định của Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động vật – thực vật (Hiệp định SPS). Các biện pháp kiểm dịch động vật, thực vật bao gồm các luật, quy định, nghị định, thủ tục, các yêu cầu về kiểm tra, chứng nhận, thử nghiệm, xử lý, kể cả các yêu cầu về vận chuyển động, thực vật và đóng gói, dán nhãn liên quan đến an toàn thực phẩm.

Thứ tư, các quy định về môi trường.

Trong các công cụ nhằm vừa bảo vệ môi trường, vừa có tác dụng như một hàng rào thuế quan đó là việc quy định dán nhãn sinh thái. Các biện pháp quy định chất lượng, kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm, kiểm dịch động vật, thực vật, dán nhãn môi trường sẽ giúp hạn chế những mặt hàng kém chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Quan trọng hơn, các biện pháp này góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ của các ngành nghề sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp hiện đại.        

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định số 93/1993/NĐ-CP ngày 27/11/1993 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thú y;

2. Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo vệ thực vật, Điều lệ Kiểm dịch thực vật và Điều lệ Quản lý thuộc bảo vệ thực vật;

3. Quyết định số 928/2002/QĐ-BYT ngày 21/3/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm.