Xây dựng thương hiệu vùng miền, nâng tầm hàng Việt

Theo daibieunhandan.vn

Khi nhắc đến biển Bali, khách du lịch sẽ hình dung ra ngay đó là một bãi biển đẹp và nổi tiếng của Indonesia. Nhưng biển Nha Trang hay Hạ Long của Việt Nam đến nay vẫn chưa trở thành một thương hiệu biển chất lượng, dịch vụ, thân thiện với môi trường trong con mắt khách du lịch nước ngoài. Vì thực tế, Việt Nam chưa có chương trình xây dựng thương hiệu cho vùng miền, trong tổng thể xây dựng thương hiệu quốc gia, khiến rất nhiều sản phẩm, lợi thế vẫn chỉ ở dạng tiềm năng.

Xây dựng thương hiệu vùng miền, nâng tầm hàng Việt
Xây dựng thương hiệu vùng miền là một phần trong chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Nguồn: cinet.gov.vn

Theo các chuyên gia kinh tế, những vùng kinh tế trọng điểm của nước ta như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ đều có sản phẩm mang thế mạnh đặc trưng của vùng miền. Chẳng hạn, nói đến Tây Nguyên là nghĩ đến cà phê, hạt tiêu; nói đến Tây Nam bộ là nghĩ đến lúa gạo, cá tra, trái cây…

Tuy nhiên, các vùng miền vẫn chưa khai thác hết được thế mạnh đặc trưng để phát triển kinh tế, việc xây dựng thương hiệu vùng miền vẫn chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy thương hiệu của các mặt hàng nông sản của nước ta chưa thực sự có chỗ đứng vững chắc ở thị trường nước ngoài cũng như tạo được lòng tin của khách hàng.

Giám đốc Công ty cổ phần sinh thái trà Cozy Trần Xuân Thủy cho biết, sự định hướng của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu vùng miền sẽ giúp doanh nghiệp có ý thức tốt hơn về việc gìn giữ và phát triển thương hiệu, đồng thời giúp cho doanh nghiệp có điều kiện cạnh tranh với thương hiệu quốc tế và đưa thương hiệu ra thị trường thế giới. Chúng tôi có trách nhiệm tiếp tục phải duy trì và phát triển thương hiệu của mình vì đó là niềm tự hào của người Việt Nam cũng như dân tộc Việt Nam có được thương hiệu mạnh để bình đẳng cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.

Ở các vùng miền trên cả nước, đã xác lập được hơn 40 chỉ dẫn địa lý và nhiều thương hiệu tập thể mang tên địa danh, như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, thanh long Bình Thuận, chè Tân Cương, chè Shan tuyết... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách tiếp cận về thương hiệu vùng miền mới chỉ được đề cập ở một khía cạnh xây dựng thương hiệu tập thể mang tên địa danh hoặc gắn với chỉ dẫn địa lý cho nông sản, thủy sản. Các địa phương bắt đầu tiếp cận với vấn đề xây dựng thương hiệu vùng miền, nhưng còn thiếu tính chiến lược, không mang tính định hướng dài hạn.

Theo PGS., TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, Đại học Kinh tế quốc dân,  nên hiểu thương hiệu vùng miền là hình ảnh đại diện, hình ảnh đặc trưng tổng hợp nhiều yếu tố gắn với sản phẩm, chính sách, đặc trưng du lịch, con người vùng miền đó. Các ban điều phối phải tìm ra được những sản phẩm đặc trưng cho vùng miền của mình để xây dựng hình ảnh độc đáo riêng có và khuếch trương hình ảnh đó.

Tuy nhiên, hy vọng trong thời gian tới các vùng miền của đất nước sẽ có bước tiến mới trong việc lựa chọn thông điệp hình ảnh và việc quản trị xây dựng hình ảnh thông điệp vùng miền của mình. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần có ý thức và chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển hình ảnh thương hiệu của mình. Với những chiến lược rõ ràng của mình, Tôn Hoa Sen đang phấn đấu xuất khẩu trị giá 250 triệu USD trong năm nay.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, việc xây dựng thương hiệu vùng miền được nhận thức là một phần trong chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Việc phát triển thương hiệu vùng miền sẽ giúp cho các địa phương, doanh nghiệp phát triển kinh tế, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm của địa phương, qua đó, giúp nâng cao mức sống của người dân.

Việc kết nối với các địa phương lân cận tạo nên sức mạnh của một vùng còn giúp thu hút đầu tư, phát triển thương mại hàng hóa, du lịch... Tất cả các yếu tố đó tạo nên khả năng phát triển không chỉ cho một địa phương, một vùng miền mà còn góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia, giúp cho các sản phẩm của quốc gia đó dễ tiếp cận vào thị trường trong và ngoài nước hơn.