Xây dựng TP. Hồ Chí Minh từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính và thương mại

PV.

(Tài chính) Đó là khẳng định của GS.,TS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chiều ngày 3/1/2014. Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu 5 vấn đề lớn về kinh tế - xã hội.

GS.,TS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. Nguồn: nhandan.org.vn
GS.,TS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. Nguồn: nhandan.org.vn
5 kiến nghị lớn về phát triển kinh tế-xã hội

Nhìn nhận về năm 2013, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh khẳng định, kinh tế Thành phố tăng trưởng hợp lý khi tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2013 ước tăng 9.3%, cao hơn so năm 2012 và dự kiến bình quân 3 năm 2011 - 2013 tăng 9.6%/năm, xấp xỉ 1.7 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (5.6%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, từ mức năm 2011 tăng 15.86% đến năm 2013 chỉ tăng 5.1%, bình quân 3 năm 2011 - 2013 tăng 6.9%/năm, bằng 0.75 lần mức tăng CPI cả nước (9.15%).

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu và giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ, phát triển nông nghiệp đô thị. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, theo hướng giảm tỷ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. GDP bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 4,513 USD, bằng 1.4 lần so với cuối năm 2010. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không tính ghi thu, ghi chi) trong năm 2013 ước đạt 229,514 tỷ đồng, tăng 8.23% so với năm 2012; đạt 100% dự toán.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho biết, giai đoạn 2014-2015, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn đạt 10,5-11%/năm; tăng trưởng giá trị gia tăng ngành dịch vụ đạt 12-12,5%/năm; tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp đạt 8,5-9%/năm.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp đạt 5%/năm. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo (thu nhập 16 triệu đồng/người/năm trở xuống) và tỷ lệ hộ cận nghèo (thu nhập 21 triệu đồng/người/năm) còn dưới 3% tổng số hộ dân Thành phố.

Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thanh Hải cũng đã kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương giúp TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu 5 vấn đề lớn về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới:

Thứ nhất, nghiên cứu, giải quyết giúp thành phố trong việc huy động nguồn lực vốn đầu tư xã hội cho phát triển thành phố.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đề ra cơ chế, chính sách để bứt phá phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp này.

Thứ ba, nghiên cứu, tư vấn các giải pháp phối hợp phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Thứ tư, xây dựng chính sách phát triển, thu hút nguồn nhân lực, sớm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển.

Thứ năm, phát triển công nghiệp môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý tốt tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Xây dựng TP. Hồ Chí Minh từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, và thương mại

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Ban Kinh tế Trung ương, GS.,TS. Vương Đình Huệ đánh giá cao các báo cáo của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã được chuẩn bị hết sức công phu, khái quát được những vấn đề lớn, có tính hệ thống cao, đồng thời cũng đưa ra nhiều số liệu sát thực với tình hình Thành phố.

Đồng chí Vương Đình Huệ gợi ý, TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục bám sát các mục tiêu theo Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm: Thúc đẩy phát triển các nhóm ngành dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao; tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học-công nghệ và giá trị gia tăng cao. Lựa chọn một số công đoạn, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong các ngành kinh tế để đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, quan tâm chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường, công nghiệp hóa dược… có giá trị gia tăng lớn.

TP. Hồ Chí Minh cùng các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu để sớm hình thành trung tâm tài chính, gắn kinh tế tri thức, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, cần có các đề án, chương trình cụ thể để thực hiện; cần tăng cường phát triển các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn để tạo cầu cho kinh tế tri thức, phát triển thị trường tài chính. Chú trọng phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là tạo cầu cho công nghệ thông tin, kinh tế trí thức. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá mới về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế.

Ngoài ra, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần có quy hoạch liên kết vùng kinh tế trọng điểm, kết nối vùng bằng các nguồn lực, bằng sản phẩm… từ chế biến đến tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh; nghiên cứu tầm nhìn phát triển của TP. Hồ Chí Minh sau 5-7 năm tới so sánh với các thành phố lớn khác trong khu vực, khi GDP bình quân đầu người đạt 9.000-10.000 USD/đầu người để có bước phát triển phù hợp.