Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng chính sách phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Mô hình kinh tế chia sẻ không chỉ diễn ra trong phạm vi của một ngành/lĩnh vực hay phạm vi ở một quốc gia nhất định mà nó vượt qua biên giới quốc gia và hiện hữu trong toàn bộ mọi mặt/khía cạnh của nền kinh tế - xã hội.

Mô hình chia sẻ phát triển mạnh nhất ở Việt Nam là lĩnh vực dịch vụ vận tải trực tuyến. Nguồn: Internet
Mô hình chia sẻ phát triển mạnh nhất ở Việt Nam là lĩnh vực dịch vụ vận tải trực tuyến. Nguồn: Internet

Vì vậy, việc hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển mô hình này ở Việt Nam đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện ở rất nhiều văn bản pháp quy, thuộc nhiều cơ quan quản lý, ban ngành chức năng khác nhau. Trên cơ sở đánh giá những hạn chế, tồn tại trong phát triển mô hình kinh tế này ở Việt Nam thời gian qua, bài viết đề xuất định hướng xây dựng và hoàn thiện hạ tầng chính sách tạo động lực phát triển mô hình kinh tế chia sẻ hiệu quả.

Thực tiễn phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường PwC, kinh tế chia sẻ trên thế giới đạt doanh thu khoảng 250 tỷ USD trong năm tài chính 2017, với những phân khúc nổi bật như: Tài chính, nhân viên online, chia sẻ phòng, đi chung xe… PWC dự báo đến năm 2025, doanh thu lĩnh vực này sẽ đạt, khoảng 335 tỷ USD. Trong sự thành công của kinh tế chia sẻ trên thế giới có thể kể đến nhiều tên tuổi nổi tiếng như: Airbnb, Uber, RabbitTask...

Ở Việt Nam, với một nền văn hóa nông nghiệp lâu đời, đa dạng về tôn giáo, đậm bản sắc “làng xã”, từ xa xưa ông cha ta đã chia sẻ về kinh tế với nhau thông qua các hình thức giản đơn như: Trong ngày ngày Lễ Tết, anh, em, họ hàng, làng xóm trong cộng đồng người Việt thường tham gia “đụng lợn”. Hoạt động này ngoài việc tạo gắn kết còn nhằm tiết kiệm chi phí mua thực phẩm. Hay như hình thức hoán công, đổi công… trong sản xuất nông nghiệp cũng là nhằm tiết kiệm thời gian và giảm chi phí trong quá trình sản xuất.

Mặc dù, chưa có một số liệu thống kê chính thức về mô hình kinh doanh mới này, song tiềm năng phát triển kinh tế chia sẻ tại Việt Nam là rất lớn. Kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielse cho thấy, cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này (chiếm 75%).

Mô hình chia sẻ phát triển mạnh nhất ở Việt Nam là lĩnh vực dịch vụ vận tải trực tuyến. Bộ Giao thông - Vận tải thống kê, đến cuối năm 2017, cả nước có 866 đơn vị vận tải với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm.

Sau giao thông vận tải là dịch vụ chia sẻ phòng ở (giúp cho người đặt phòng và người có phòng trống kết nối với nhau thông qua ứng dụng đặt phòng trực tuyến) trên nền tảng của các công ty Airbnb, Expedia, Gotadi... Loại hình này tuy mới du nhập vào nước ta nhưng cũng đã có những kết quả nhất định. Nghiên cứu của Grant Thornton ghi nhận, năm 2017, nguồn cung của Airbnb đã tăng gấp 2,5 lần (với hơn 16.000 căn hộ) so với năm 2016 (chỉ có 6.500 căn hộ cho thuê tại Việt Nam). Mô hình này kéo theo sự tăng trưởng của hàng loạt startup trong lĩnh vực cho thuê phòng trực tuyến tại Việt Nam như: Luxstay, Mystay, Homeaway, Holteljob...

Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng chính sách  phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam  - Ảnh 1

Bên cạnh đó, dịch vụ cho vay ngang hàng cũng đã xuất hiện và có xu hướng phát triển tốt tại Việt Nam. Đây là phương thức hoàn toàn khác biệt với mô hình vay truyền thống, là mô hình kinh doanh sử dụng nền tảng trực tuyến để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay vốn mà không cần qua trung gian.. Tại Việt Nam, mô hình này xuất hiện vào năm 2016 và hiện có khoảng gần 10 công ty như: Huydong.com, Tima, SHA, Mobivi, vaymuon.vn…

Một số dịch vụ khác cũng đã xuất hiện như cung cấp ứng dụng điện thoại kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng… dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ điển hình như cung cấp nền tảng kết nối bên cho vay và người đi vay; hình thức gọi vốn cộng đồng cũng bắt đầu nhen nhóm.

Tồn tại, hạn chế của mô hình kinh tế chia sẻ

Nhìn chung, phát triển mô hình kinh tế chia sẻ ở nước ta thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, mô hình này vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục, cụ thể:

Thứ nhất, mô hình kinh tế chia sẻ còn mang tính tự phát. Các cơ quan quản lý còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này.

Thứ hai, hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử… và các quy định về thuế hiện nay hầu như chưa có các điều khoản điều chỉnh trực tiếp hoặc gián tiếp, thậm chí bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế này.

Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng chính sách  phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam  - Ảnh 2

Thứ ba, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia khác trên thế giới vẫn tồn tại tranh cãi về nghĩa vụ thuế đối với loại hình kinh tế chia sẻ, nhất là vấn đề thu thuế của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia, vấn đề về tránh đánh thuế hai lần...

Thứ tư, bên cạnh những lợi ích vượt trội như tận dụng được hạ tầng, phương tiện, tạo thêm nhiều việc làm và mang lại các dịch vụ tiện ích, mô hình nền kinh tế chia sẻ cũng gây ra mối lo ngại về tính pháp lý. Việc thiếu chế tài cho các loại hình mới không chỉ khiến Việt Nam mà ngay cả các quốc gia phát triển cũng bối rối, vô hình trung tạo sự cạnh tranh không công bằng giữa phương thức kinh doanh truyền thống và phương thức kinh tế chia sẻ.

Thứ năm, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 không chỉ làm thay đổi và hình thành những phương thức sản xuất, kinh doanh mới, mà còn làm nảy sinh các vấn đề mới như: thu thuế phát sinh từ hoạt động dịch vụ, vấn đề đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia... Thực tế này, đòi hỏi các nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua (người tiêu dùng) và người bán (nhà cung cấp dịch vụ).

Thứ sáu, mặc dù kinh tế chia sẻ được coi là hoạt động tái thiết kinh tế, trong đó các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản, dịch vụ nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp với nhau nhằm tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau, tuy nhiên nó chưa thực sự phát huy được hiệu quả do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Những vấn đề đặt ra

Những hạn chế, tồn tại trên đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ mô hình kinh tế chia sẻ phát triển hiệu quả tại Việt Nam. Cụ thể:

Thứ nhất, cần nghiên cứu, xem xét và sớm xây dựng xây dựng một văn bản pháp quy riêng điều chỉnh toàn bộ hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ, nhằm đem lại những lợi ích thiết thực cho xã hội, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và các bên tham gia.

Thứ hai, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện kịp thời một số văn bản quy định hướng dẫn nhằm tăng cường quản lý một cách có hiệu quả hoạt động kinh doanh này, từ đó có thể khai thác tối đa tiềm năng và đẩy mạnh mô hình kinh tế chia sẻ phát triển; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế. Cụ thể là rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện một số văn bản pháp quy sau:

- Luật Thương mại: Điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện theo hướng tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các giao dịch kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử.

- Luật Giao dịch điện tử: Điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện theo hướng tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các giao dịch điện tử, đặc biệt là thương mại bán lẻ trực tuyến, thanh toán điện tử và tiền điện tử, hay các giao dịch trực tuyến xuyên biên giới có liên quan đến kinh tế chia sẻ.

- Luật Doanh nghiệp: Bổ sung đối tượng điều chỉnh của Luật nhằm tăng cường vai trò quản lý đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ.

- Luật Sở hữu trí tuệ: Bổ sung, hoàn thiện theo hướng hạn chế và nâng cao khả năng xử lý những phát sinh có liên quan đến tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, phòng vệ thương mại có thể phát sinh đối với doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức này.

- Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Bổ sung các đối tượng điều chỉnh có liên quan đến hoạt động kinh doanh chia sẻ và hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm phát sinh…

- Các luật về thuế: Bổ sung và hoàn thiện theo hướng tăng cường công tác giám sát, quản lý thuế và tăng chế tài xử lý vi phạm phát sinh…

Thứ ba, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đặc thù tại Việt Nam nhằm tìm giải pháp quản lý nguồn thuế hiệu quả, tránh thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như tạo sự công bằng cho các đối tượng nộp thuế.

Thứ tư, chú trọng công tác đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là về công nghệ thông tin đi đôi với việc tăng cường nâng cao an ninh mạng để đảm bảo lợi ích cho người tham gia. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm đối với các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ có liên quan.

Thứ năm, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo thị trường nhằm đưa ra được những định hướng chiến lược phát triển thị trường này trong từng thời kỳ, giai đoạn nhất định. Đặc biệt, đầu tư nghiên cứu, đi tắt đón đầu trong việc tận dụng những cơ hội và đưa ra những cảnh báo sớm để có những giải pháp ứng phó kịp thời đối với những phát sinh về rủi ro tiềm ẩn, các vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội trong phát triển mô hình kinh tế chia sẻ thời gian tới.

Thứ sáu, xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển các yếu tố cấu thành thị trường kinh tế chia sẻ ở Việt Nam như: Chính sách tín dụng, chính sách đầu tư (khuyến khích đầu tư phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo…); Khuyến khích phong trào khởi nghiệp bằng cách mua sản phẩm của những doanh nghiệp sáng tạo và đổi mới.

Thứ bảy, đẩy nhanh thực hiện chính phủ số, hệ thống dữ liệu mở và thông suốt để phục vụ quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ. Thực hiện đánh giá tác động của mô hình kinh tế này đến các mục tiêu phát triển (đầu tư, việc làm, thuế, cạnh tranh…) và dự báo sự phát triển của các lĩnh vực có tiềm năng cho mô hình kinh tế chia sẻ để chủ động điều chỉnh linh hoạt chính sách, quy định.

Thứ tám, đầu tư phát triển dịch vụ logistics, đặc biệt là dịch vụ giao nhận, kho bãi, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

Thứ chín, tăng cường đầu tư cho giáo dục, hỗ trợ công tác đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để người lao động có thể sẵn sàng tham gia vào nền kinh tế số, đáp ứng được yêu cầu công việc trong hoạt động kinh tế chia sẻ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0...           

Tài liệu tham khảo:

  1. Thế Trần (2018), Nền kinh tế chia sẻ đang “làm mưa, làm gió” trên thế giới như thế nào?, Trí thức trẻ;
  2. Vy Hương (2018), Chủ động đón nhận “kinh tế chia sẻ”, Báo Đại biểu Nhân dân điện tử;
  3. Hữu Tuấn (2018), Hệ quả xấu khi mô hình kinh tế chia sẻ bị biến tướng, Báo Đầu tư;
  4. ThS. Nguyễn Phan Anh (2016), Mô hình nền kinh tế chia sẻ và gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ II, số tháng 7/2016.