Xử lý 3.728 container tồn đọng ở Hải Phòng: Không thể vỗ tay bằng một tay

Theo baohaiquan.vn

(Taichinh) - 3.728 container hàng hóa đang tồn đọng ở cảng Hải Phòng. Dù con số này đã giảm đáng kể so với cách đây gần một năm, nhưng vẫn đang đặt ra nhiều thách thức đối với lực lượng chức năng địa phương trong việc xử lý .

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vì sao tồn nhiều?

Hàng tồn đọng ở khu vực cảng Hải Phòng không phải là câu chuyện mới. Nhưng vì sao cửa ngõ giao thương lớn nhất miền Bắc lại phải chịu gánh nặng này?

Lật lại câu chuyện này vào khoảng các năm 2010 và 2011 khi hoạt động kinh doanh TNTX phát triển mạnh mẽ, với vị trị địa lý thuận lợi, cảng Hải Phòng gần như là “cửa ngõ” vào duy nhất của hàng hóa tạm nhập để tái xuất đi Trung Quốc. Và rất nhiều hàng hóa trong số này nằm trong Danh mục hàng hóa cấm XNK hoặc tạm dừng XNK nhưng lại được kinh doanh TNTX theo giấy phép của Bộ Công Thương. Khi hàng hóa tạm nhập vào cảng Hải Phòng tăng đột biến trong khi việc tái xuất hàng hóa cho chủ hàng Trung Quốc gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng ở khu vực cảng Hải Phòng.

Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 7-9-2012 về tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TNTX, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan. Để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách và đẩy mạnh các biện pháp quản lý, điển hình là việc Bộ Công Thương ban hành Quyết định 5737/QĐ-BCT ngày 28-9-2012 về việc công bố tạm thời các Danh mục hàng hóa kinh doanh TNTX, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, trong đó có 2 Danh mục về hàng hóa cấm kinh doanh TNTX, chuyển khẩu (phụ lục số 1) và Danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh TNTX, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan (phụ lục 2). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong khi đó, một lượng lớn hàng hóa nằm trong 2 danh mục theo thông lệ trước đó đã được DN đưa về cảng Hải Phòng và một lượng lớn khác đang trên tàu cập cảng.

Tuy nhiên, khi thực hiện Quyết định 5737, các DN đã không thể thực hiện kinh doanh TNTX và đưa số hàng trên ra khỏi cảng Hải Phòng. Đây chính là nguyên nhân khiến cho cảng Hải Phòng tồn đọng hàng nghìn container hàng hóa.

Theo Hải quan Hải Phòng, đến tháng 8-2014, trên địa bàn cảng Hải Phòng còn tồn 5.060 container và số hàng hóa này được đưa về từ năm 2012 trở về trước và hầu hết hàng hóa là phế liệu, lốp ô tô đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng... Sau thời điểm thực hiện Chỉ thị 23, cảng Hải Phòng gần như không có hàng tồn đọng liên quan đến danh mục cấm XNK hoặc tạm ngừng XNK.

Chuyển biến từ quyết tâm của Hải quan

Ngay khi câu chuyện hàng hóa quá tải ở khu vực cảng Hải Phòng bắt đầu “nóng” và trong quá trình thực hiện Chỉ thị 23 và các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành, Hải quan Hải Phòng đã chủ động, kịp thời phát hiện và báo cáo Tổng cục Hải quan vướng mắc trong vấn đề xử lý số hàng tồn đọng thuộc danh mục cấm XNK và tạm ngừng XNK được DN đưa về trước đó nhưng chưa tái xuất. Trên cơ sở báo cáo của địa phương và nắm bắt thông tin từ các đơn vị tham mưu trước đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành ngay các kế hoạch để tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý số hàng hóa này. Đó là Kế hoạch 98/KH-TCHQ ngày 22-6-2012 về tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa NK tồn đọng ở cảng Hải Phòng. Tiếp đó, ngày 6-8-2013, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai Kế hoạch 230/KH-ĐTCBL về kiểm tra, xử lý 2.796 container hàng hóa tồn đọng là lốp ô tô đã qua sử dụng, phế liệu cao su…

Triển khai các chỉ đạo trên, Hải quan Hải Phòng đã tích cực xử lý được một số lượng đáng kể hàng hóa tồn đọng. Cụ thể, từ tháng 8-2014 đến nay, Hải quan Hải Phòng đã xử lý được 1.332 container. Do đó, đến đầu tháng 4-2015, số hàng tồn ở khu vực cảng Hải Phòng đã giảm còn 3.728 container.

Vậy Hải quan Hải Phòng đã xử lý 1.332 container như thế nào? Và tại sao nhưng container còn lại chưa được xử lý? Trả lời câu hỏi này của phóng viên Báo Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng Phạm Mạnh Tự cho biết: 1.332 container được xử lý chủ yếu bằng cách cho DN thực hiện việc nộp thuế và NK theo chỉ đạo của Chính phủ, một số khác được DN thực hiện tái xuất. Nhưng để xử lý được số hàng này, vấn đề mấu chốt là có chủ hàng đến nhận hàng và làm thủ tục, trong khi 3.728 container còn lại hầu hết là hàng hóa bị “bỏ rơi” khi người đứng tên nhận hàng không đến làm thủ tục hoặc có văn bản từ chối nhận hàng. Do đó, cách thức xử lý với số hàng đã được giải tỏa không áp dụng được trong trường hợp này.

Không thể vỗ tay bằng một bàn tay

Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Tiến Lộc cho biết: Mặc dù còn những khó khăn trong việc xử lý dứt điểm 3.728 container đang tồn đọng, nhưng phương án giải quyết đã có. Đấy chính là việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 203/2014/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 5-2-2015) hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan. Thông tư đã đưa ra được nhiều giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng này, nhưng vấn đề đặt ra là bên cạnh vai trò của cơ quan Hải quan rất cần sự vào cuộc tích cực của các DN kinh doanh cảng, hãng tàu.

Bởi thực tế khó khăn lớn nhất thời gian qua đối với cơ quan Hải quan khi thực hiện kiểm tra, xử lý các container tồn đọng là phải chi trả chi phí lưu kho, bãi và chi phí lưu vỏ container có trường hợp lên đến cả trăm triệu đồng/container và con số này nhân với hơn 3.700 container là số tiền rất lớn. Để giải quyết vướng mắc này, Thông tư 203 quy định: “Toàn bộ các chi phí bảo quản hàng hóa tồn đọng trước ngày Cục trưởng Cục Hải quan ra quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước do chủ hàng hóa hoặc người vận chuyển chi trả; trường hợp không xác định được chủ hàng hóa, chủ hàng hóa từ bỏ hoặc sau 1 năm kể từ ngày kết thúc việc xử lý chủ hàng hóa, người vận chuyển không chi trả thì DN quản lý hàng hóa tồn đọng được hạch toán vào chi phí của DN”. Do đó, để thực hiện được điều này vai trò cốt yếu nằm ở sự vào cuộc của các DN kinh doanh cảng, hãng tàu.

Ngoài ra, để xử lý được gần 3.000 container lốp ô tô đã qua sử dụng và phế liệu cao su, cơ quan chức năng cần mở rộng đối tượng được tham gia mua góp mặt hàng này. Hiện Chính phủ mới cho phép 2 DN thực hiện là Công ty CP kính nổi Chu Lai- INDEVCO (Quảng Nam) và Công ty Duyên Hải (Quân khu 3).

Cùng với việc tổ chức triển khai các giải pháp xử lý hàng tồn đọng, Hải quan Hải Phòng cũng đề xuất các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ khẩn trương ban hành các cơ chế chính sách để ngăn chặn từ xa các hành vi đưa phế liệu, phế thải từ nước ngoài về Việt Nam.