Xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2016: Phục hồi rõ nét

Theo baocongthuong.com.vn

Nông - lâm - thủy sản tiếp tục đà tăng; công nghiệp chế biến giữ vững vị trí “đầu tàu”; khu vực kinh tế 100% vốn trong nước tăng trưởng dương; xuất siêu ngày càng lớn - là những điểm sáng đáng chú ý trong bức tranh xuất khẩu 10 tháng đầu năm.

Tính chung 10 tháng, cả nước xuất siêu ước khoảng 3,5 tỷ USD, bằng 2,4% kim ngạch xuất khẩu.
Tính chung 10 tháng, cả nước xuất siêu ước khoảng 3,5 tỷ USD, bằng 2,4% kim ngạch xuất khẩu.

Những điểm sáng

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2016 ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng 9 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 144,1 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Về những điểm sáng xuất khẩu sau 10 tháng đầu năm, trước hết, phải kể đến sự tăng trưởng đều đặn của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Dù nhu cầu thế giới và giá liên tục giảm nhưng nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu vẫn có lượng xuất khẩu vượt trội, tăng trưởng đến 35%. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm - thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi, trái ngược với mức suy giảm 9,7% của cùng kỳ năm trước. 10 tháng đầu năm nay, nhóm hàng này đã ước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò là “đầu tàu” khi kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 115,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2015, đóng góp lớn nhất trong tổng kim ngạch
xuất khẩu. Đáng chú ý, sự cố Samsung Galaxy Note 7 bị thu hồi từng gây ra không ít lo ngại rằng, kim ngạch xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi điện thoại là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Tuy nhiên, thực tế, kim ngạch xuất khẩu điện thoại không ảnh hưởng quá lớn bởi một phần sản phẩm Samsung Galaxy Note 7 được phân phối ngay tại thị trường trong nước, trong khi xuất khẩu sản phẩm này chiếm tỷ trọng không lớn. Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 3,9% nhưng 10 tháng vẫn tăng trưởng 5%.

Sau 10 tháng, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tăng trưởng 15%, chiếm tỷ trọng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là EU tăng 7,4%, chiếm tỷ trọng 19%; Trung Quốc tăng 23,9%, chiếm tỷ trọng 12%...

Điểm sáng tiếp theo là kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 41,4 tỷ USD, tăng 4,9%. Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau khi tăng trưởng âm liên tục trong năm trước, việc khu vực 100% vốn trong nước liên tục tăng trưởng dương từ đầu năm đến nay cho thấy nền kinh tế trong nước có nhiều dấu hiệu phục hồi.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, mức nhập siêu tháng 10/2016 ước khoảng 200 triệu USD. Tính chung 10 tháng, cả nước xuất siêu ước khoảng 3,5 tỷ USD, bằng 2,4% kim ngạch xuất khẩu. Việc duy trì xuất siêu là yếu tố quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho sản xuất.

Tiếp tục tạo đà cho xuất khẩu

Mặc dù xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt được kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên nếu so với chỉ tiêu Quốc hội giao là tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2015 thì chưa đạt. Chưa kể, xuất khẩu nhiều mặt hàng vẫn còn gặp khó. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản 10 tháng đầu năm giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2015, chỉ còn đóng góp khoảng 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng khác như gạo, sắn, dệt may… không đạt như con số kỳ vọng từ đầu năm.

Trước những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh các giải pháp cung cấp, tập huấn, phổ biến thông tin về thị trường, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để nâng cao nhận thức về ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ cho doanh nghiệp; quản lý thị trường, kiểm soát hàng giả và hàng không đảm bảo chất lượng nhập khẩu và lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng đến nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu; tập trung kinh phí và thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại cho các mặt hàng đang gặp khó khăn về giá, về thị trường; lựa chọn và xây dựng thương hiệu cho một số ngành chủ lực như dệt may, thủy sản, trái cây, gạo.