Xuất khẩu 2013: Vẫn chưa hết khó khăn

Hồng Nhung

(Tài chính) Năm 2013, theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, do chịu ảnh hưởng từ tác động của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, hoạt động xuất khẩu sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng trong “thế” khó

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, xuất siêu ước đạt 1,68 tỷ USD, bằng 8,8% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu. Không chỉ tạo ra giá trị thương mại to lớn, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, hoạt động xuất khẩu khởi sắc cũng đem lại việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.

Để đạt được kết quả tích cực trên, ngay từ những tháng cuối năm 2012, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng và mở rộng thị trường mới. Đồng thời, các DN cũng áp dụng nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, trong đó, một số ngành xuất khẩu đã tận dụng tốt và đang dần gia tăng sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, hạ giá thành sản phẩm. Qua đó, các DN đã ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Đóng góp chung vào thành công của lĩnh vực xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm phải kể đến ngành Dệt may, ngành Da giày... Cụ thể, tháng 1/2013, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ. Theo dự báo, năm nay đơn hàng xuất khẩu của ngành này sẽ tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Hầu hết DN cho biết đã có các đơn hàng ổn định, trong đó các DN lớn đã có đơn hàng đến hết quý II, quý III. Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, nhiều DN trong ngành Da giày - túi xách đã nhận được đơn hàng đạt khoảng 80% kế hoạch cho quý II. Hiệp hội này dự báo, kim ngạch xuất khẩu của toàn Ngành năm nay sẽ đạt khoảng 9,7 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012, trong đó xuất khẩu giày dép sẽ đạt 8 tỷ USD.

Ngoài ra, Hiệp hội Chế biến gỗ và mỹ nghệ TP. Hồ Chí Minh cũng dự báo kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất dùng cho văn phòng sẽ tăng 25-30% trong năm 2013. Một số DN ngành gỗ cho rằng tình hình kinh tế thế giới năm 2013 có thể khởi sắc hơn nên nhu cầu về đồ nội thất văn phòng cũng sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là các mặt hàng có giá thành thấp, trung bình và khá. Các DN cũng đang tập trung vào những thị trường đang đánh giá cao chất lượng sản phẩm gỗ của Việt Nam là Hoa Kỳ và Nhật Bản để khai thác lợi thế.

Bên cạnh đó, tình hình xuất khẩu của các lĩnh vực nông sản, thủy hải sản cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tháng 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu Ngành hàng này của cả nước đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Cạnh tranh vẫn rất khốc liệt

Theo nhận định các của chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 tương đối cao chủ yếu dựa vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể: Trong 19 tỷ USD kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm thì khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,2 tỷ USD, tăng 27,3% trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 6,8 tỷ USD, tăng 18,2%. Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam vẫn còn thấp, cần phải có sự cải thiện mạnh mẽ hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, mặc dù đạt được những kết quả đạt rất khả quan nhưng nhiều dự báo cho thấy, hoạt động xuất khẩu của DN Việt sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng của các thị trường sụt giảm do nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ ràng. Hơn nữa, các DN Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với các DN nước ngoài để tìm kiếm đơn hàng. Nhiều nước có sản lượng xuất khẩu cao trên thế giới cũng đang đối mặt với tình trạng khan hiếm đơn hàng và thị trường bị thu hẹp như Thái Lan, Ấn Độ...  Đó là chưa kể chính sách bảo vệ sản xuất trong nước của các nước, đặc biệt là các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… ngày càng chặt chẽ hơn, đòi hỏi các DN xuất khẩu phải nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, với một số ngành thế mạnh của Việt Nam như nông lâm thủy sản được xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, chưa đem lại giá trị gia tăng cao. Không những thế, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam thường xuyên bị cạnh tranh bằng các hàng rào kỹ thuật về chất lượng của các nước nhập khẩu khiến lợi thế cạnh tranh giảm sút.

Nhằm thực hiện hỗ trợ cộng đồng DN nói chung và DN xuất khẩu nói riêng, trong thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã kịp thời ban hành nhiều chính sách thuế ưu đãi. Một số chính sách thuế hỗ trợ  được các DN đánh giá cao như: Gia hạn nộp thuế thu nhập DN và thuế Giá trị gia tăng cho DN sử dụng nhiều lao động (sử dụng trên 300 lao động) trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội...

Nhiều DN cho biết, năm 2013 – với hàng loạt khó khăn phía trước, các DN xuất khẩu mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ và tạo điều kiện từ các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu, qua đó đóng góp đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế.