Xuất khẩu cả năm 2013 ước tăng 15,3%, đạt 132 tỷ USD

Theo ndh.vn

(Tài chính) Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả năm 2013 của Việt Nam ước đạt khoảng 132 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra là 126,1 tỷ USD, tăng 10%.

Xuất khẩu cả năm 2013 ước tăng 15,3%, đạt 132 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả năm 2013 của Việt Nam ước đạt khoảng 132 tỷ USD. Nguồn: internet

Số liệu trên được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đưa ra tại Hội nghị Tham tán Thương mại 2013 tổ chức ngày 16/12.

Năm 2013, xuất khẩu vượt mục tiêu đề ra, cán cân thương mại cân bằng

Bộ trưởng cho biết mặc dù trong năm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như giá xuất khẩu một số mặt hàng giảm, thị trường xuất khẩu tại một số địa bàn bị thu hẹp..., song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao, vượt mục tiêu đề ra, như: dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện.

Hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước ASEAN thì xuất khẩu của nước ta sang thị trường mới như Châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh đã có bước phát triển.

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá cả năm ước đạt khoảng 132,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2012, đưa nhập siêu cả năm ước khoảng 500 triệu, bằng 0,38% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội giao (là 8%), và đồng nghĩa với việc cán cân thương mại năm 2013 về cơ bản là cân bằng.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2012

Về sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết lĩnh vực này đang trên đà phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) cả năm dự kiến tăng 5,6%, cao hơn so với mức tăng 4,8% của năm 2012).

Lĩnh vực công nghiệp đã tập trung phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng; sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông-lâm-thuỷ sản được quan tâm hỗ trợ phát triển. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 60,2% năm 2010 lên khoảng 78% năm 2013.

Tình hình hàng tồn kho, hàng ứ đọng trong doanh nghiệp nhìn chung đã có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đã giảm dần.

Năm 2014, phấn đấu xuất khẩu tăng 10%, sản xuất công nghiệp tăng 6,4-6,6%

Về định hướng phát triển ngành công thương năm 2014, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10%, duy trì nhập siêu ở mức 6% trở xuống, và đạt giá trị gia tăng công nghiệp-xây dựng khoảng 6,4-6,6%.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương xác định khâu đột phá là sẽ thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu với lợi thế của Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tiếp tục tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có như thuỷ sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình, trong khi hạn chế đầu tư sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp hoặc lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Bộ cũng sẽ tập trung phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn, tập trung khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ... đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, Châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh.

Về sản xuất công nghiệp, Bộ xác định phát triển công nghiệp đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, gắn kết một cách thực sự giữa công tác quy hoạch sản xuất trong nước với công tác thị trường ngoài nước; phát triển có chọn lọc những ngành nước ta có nhiều lợi thế; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và vật liệu mới, tiếp tục phát triển phù hợp các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Bộ Công thương xác định việc chuẩn bị hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định thương mại tự do với EU, với liên minh thuế quan Nga-Belarus- azakhstan và với các đối tác lớn khác sẽ mở ra những thuận lợi và cơ hội phát triển mới trong năm tới.