Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước khởi sắc

Theo baodautu.vn

Lần đầu tiên sau nhiều tháng, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt mức tăng hai chữ số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2017 tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá cao, không chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, mà còn cao hơn tốc độ tăng theo kế hoạch đề ra cho cả năm.

Theo mặt hàng, mới qua 4 tháng, đã có 20 mặt hàng đạt trên 500 triệu USD (tăng 2 mặt hàng so với cùng kỳ), trong đó có 11 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (tăng 1 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước).

Theo khu vực, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước lần đầu tiên sau nhiều tháng đạt mức tăng hai chữ số (tăng 13,7%).

Kim ngạch xuất khẩu tăng do cả 2 yếu tố: tăng về lượng và tăng giá. Những mặt hàng có lượng tăng là chè, hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn, than đá, xăng dầu, cao su, sắt thép. Những mặt hàng có giá tăng cao là hạt điều, cà phê, than đá, dầu thô, xăng dầu, cao su...

Tuy nhiên, xuất khẩu trong 4 tháng qua cũng có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Bên cạnh những mặt hàng có kim ngạch tăng thì cũng có những mặt hàng giảm, như hạt tiêu, gạo, sắn và sản phẩm sắn, sản phẩm mây, tre, cói, thảm, đặc biệt là điện thoại (giảm 6,1%, hay giảm tới 576 triệu USD).

Trong 2 khu vực, khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng còn nhỏ (28,4%). Bên cạnh những địa bàn tăng xuất khẩu, thì xuất khẩu của một số địa phương lại giảm, như Bắc Ninh, Cà Mau, Sơn La (Bắc Ninh giảm tới 658 triệu USD). Xuất khẩu sang một số thị trường tăng chậm lại (Mỹ, Canada, Đức, Indonesia, Australia...); một số thị trường giảm (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Anh, Nam Phi, Thụy Điển...).

Về nhập khẩu, trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp 1,6 lần tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu. Một số mặt hàng có tốc độ tăng cao như thủy sản, rau quả, hạt điều, lúa mì, dầu mỡ động thực vật, chế phẩm thực phẩm khác, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, than đá, dầu thô, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, hóa chất, thuốc trừ sâu và nguyên liệu, chất dẻo nguyên liệu, cao su, bông các loại, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại, xe máy và linh kiện...

Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước là 40,2%, cao hơn tỷ trọng tương ứng về xuất khẩu (28,2%).

Nhập khẩu tăng cao phản ánh nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở trong nước tăng lên, nhưng đồng thời cũng cho thấy áp lực lớn của hàng nhập khẩu đối với sản phẩm sản xuất trong nước. Phải chăng đây cũng là một trong những yếu tố làm cho tăng trưởng GDP 4 tháng đầu năm nay bị chậm lại.