Xuất khẩu dệt may ước đạt 27,2 tỷ USD

Theo baohaiquan.vn

Chiều 21/12, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức họp báo thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Vinatex, trong năm 2015, sự phá giá đồng tiền của các nước như Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ vào tháng 8-2015, Ấn Độ và Indonesia phá giá đồng rupi… ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, dẫn đến mặt bằng giá sản phẩm dệt may đi xuống tại các quốc gia cạnh tranh về dệt may với Việt Nam.

Vì vậy, để giữ được đơn hàng cũng như khách hàng, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải giảm giá sản phẩm để cạnh tranh, dẫn đến giảm lợi nhuận.

Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn có sự tăng trưởng khá so với mặt bằng chung của các ngành. Ông Trần Việt, Trưởng Ban Pháp chế- Tổng hợp Vinatex cho biết, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các thị trường lớn đều giữ được mức tăng trưởng khá, như Mỹ tăng 12,95%; EU tăng 5,96%; Nhật Bản tăng 7,95% và Hàn Quốc tăng 8,77% so với năm 2014.

Với mức tăng trưởng khả quan tại các thị trường trọng điểm, xuất khẩu dệt may năm 2015 được dự đoán đạt 27,2 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm 2014.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chung của toàn Tập đoàn ước tính trong năm 2015 đạt hơn 3,4 tỷ USD (tăng 10% so với năm 2014) nhưng lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.350 tỷ đồng, chỉ tương đương năm 2014.

Đáng chú ý, điều này có sự đóng góp của các doanh nghiệp lớn thuộc Vinatex như Tổng Công ty cổ phần Phong Phú; Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ; Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến; Tổng Công ty May 10; Tổng Công ty Đức Giang...

Trong thời gian tới, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp dệt may, đặc biệt trong việc giảm các mức thuế suất theo lộ trình tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nga…

Thế nhưng những lợi ích này liệu các doanh nghiệp dệt may có tận dụng được không khi tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, khi hàng sản xuất ODM mới chiếm 8%? Trả lời cho câu hỏi này, ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Vinatex cho hay, Việt Nam là nước đã ký được nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng không phải những hiệp định này có thể vận hành ngay, ít nhất phải đến cuối 2017, đầu 2018 mới có thể vận hành.

“Đây là quãng thời gian để chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu bởi cơ hội chia đều cho các doanh nghiệp. Còn câu hỏi liệu doanh nghiệp có thắng trên sân nhà hay không thì rất khó trả lời”, ông Dũng nói.

Theo vị này, doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư vào mạnh vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam, chưa kể đến họ có nhiều kinh nghiệm hơn. Tổng mức đầu tư FDI vào dệt may từ năm ngoái đến nay là 1,5 tỷ USD gần bằng số vốn đầu tư toàn ngành dệt may trong 20 năm qua. Xu hướng đầu tư này trong năm tới dự đoán là sẽ còn tăng tiếp. Đây là khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành làm sao tạo cơ chế tín dụng, xây khu công nghiệp tập trung để doanh nghiệp dệt may có thể đầu tư, phát triển trong thời gian ngắn, nhưng đến nay chưa có cơ chế. Giải pháp của các doanh nghiệp dệt may hiện vẫn là đẩy mạnh xúc tiến, đầu tư công nghệ, hợp tác nước ngoài để có chuyển giao công nghệ”, ông Dũng cho biết.