Xuất khẩu gian nan mở thị trường mới

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Việc thâm nhập, mở rộng xuất khẩu tại những thị trường mới không phải chuyện đơn giản dù có nhiều cơ hội mở ra từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này có nghĩa là cơ hội từ các FTA vẫn đơn thuần là cơ hội, còn việc doanh nghiệp Việt có tận dụng được hay không thì phải từ chính bản thân doanh nghiệp (DN).

Kết nối giao thương giữa DN Việt với nhà nhập khẩu nước ngoài. Nguồn: Internet
Kết nối giao thương giữa DN Việt với nhà nhập khẩu nước ngoài. Nguồn: Internet

Có thể dẫn ra trường hợp xuất khẩu (XK) vào Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – một thị trường lớn ở Trung Đông được cho là vẫn còn mới mẻ mà nhiều DN Việt đang nhắm đến để mở rộng thị trường.

Ông Trần Văn Nam, chủ một DN chuyên XK cà phê, hạt điều, gạo, hồ tiêu…, cho biết khi XK hàng nông sản vào thị trường này, DN vẫn ngại vấn đề chi phí kho bãi và nhân công đắt đỏ.

Chưa kể, việc sử dụng ngôn ngữ Ả Rập và tránh in những hình ảnh nhạy cảm trong đóng gói bao bì sản phẩm cũng là cả một vấn đề. Nếu các DN muốn thâm nhập phải có các sản phẩm phù hợp theo tiêu chuẩn chất lượng của Đạo Hồi, nhất là giấy chứng nhận tiêu chuẩn Halal, trong khi nhiều DN Việt chưa quen với việc này.

Vẫn chỉ là... tiềm năng

Trên thực tế, dù thị trường UAE rất tiềm năng – cửa ngõ để thâm nhập vào thị trường Trung Đông và sau đó là châu Phi, nhưng số liệu về kim ngạch XK của Việt Nam sang nước này khá khiêm tốn và thất thường. Giá trị XK năm ngoái chỉ đạt 5 tỷ USD, 9 tháng đầu năm nay ước giảm 0,7% so với cùng kỳ.

Hoặc như việc mở rộng XK vào khu vực ASEAN và Mỹ Latinh cũng được cho là còn nhiều vấn đề. Cuối tuần qua, tại buổi trao đổi với các DN XK ở TP. Hồ Chí Minh, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho biết so với mức độ mở cửa và những FTA của ASEAN và Mỹ Latinh, kim ngạch thương mại của Việt Nam vào hai khu vực này vẫn còn khiêm tốn, nhất là với Mỹ Latinh.

Trong khi đó, hai khu vực này tương đồng nhiều khía cạnh khi mỗi khu vực đều có khoảng 650 triệu dân, có nền kinh tế mở, tham gia rất nhiều FTA. ASEAN thì có Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Mỹ Latinh thì có Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh Thái Bình Dương (AP).

"Tổng kim ngạch thương mại của ASEAN hiện nay là 2.400 tỷ USD, còn tổng kim ngạch ngoại thương của Mỹ Latinh là 2.100 tỷ USD. Thế nhưng, Việt Nam giao thương với ASEAN chỉ vào khoảng 50 tỷ USD và giao thương với Mỹ Latinh chỉ đạt 13,5 tỷ USD", ông Thành thông tin.

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nguyên nhân là có trở ngại về khoảng cách địa lý, đặc biệt là với Mỹ Latinh. Tuy nhiên, rõ ràng có hai vấn đề lớn mà các DN Việt cần nắm tốt hơn nếu muốn mở rộng thị trường XK, đó là các FTA và tính chất mở của hai khu vực này.

Dù nằm trong ASEAN nhưng số liệu thống kê của Bộ Công Thương mới đây cho thấy XK của Việt Nam vào thị trường này thua xa Mỹ, EU, Trung Quốc, chỉ đạt 20,4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Tận dụng cơ hội lớn

Theo Bộ Công Thương, hàng hóa Việt Nam ngoài việc tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống nên mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Khi cộng đồng DN tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình XK hàng hóa.

Nói về việc tận dụng các FTA để mở rộng thị trường mới, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng với các mặt hàng chủ chốt mà Việt Nam đang XK, rõ ràng là cơ hội rất lớn.

Ví dụ như thị trường Canada, nếu DN có ý định mở rộng thị trường XK vào nước này thì vào đầu năm sau, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, nhiều mặt hàng sẽ được hưởng thuế suất 0% thay vì 25 – 30% như hiện nay.

"Tuy nhiên, cơ hội mà các FTA mang lại vẫn đơn thuần là cơ hội, còn việc DN Việt có tận dụng các cơ hội đó hay không thì phải từ chính bản thân các DN", ông Khanh nhấn mạnh.

Một tín hiệu tích cực để các DN nội gia tăng mở rộng thị trường XK khi gần đây, mức tăng trưởng XK của khối này đã duy trì cao hơn so với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong 10 tháng đầu năm 2018, khối DN trong nước XK khoảng 56,8 tỷ USD, tăng 16,8%, cao hơn mức tăng trưởng XK chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối DN FDI.

Với kinh nghiệm nhiều năm XK sang ASEAN và những thị trường lớn, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gỗ An Cường, cho rằng các DN Việt muốn mở rộng thị trường hãy cố gắng vào các hội chợ triển lãm thương mại quốc tế (Trade Fair) để tìm kiếm sự hỗ trợ thương mại. Mặt khác, cần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu Việt của các DN với sự hỗ trợ từ các Thương vụ ở nước ngoài.

Theo ông Nghĩa, nếu đã nhắm đến mở rộng thị trường XK, DN Việt cần mở rộng phát triển thị trường theo chiều rộng, mở rộng thị trường theo chiều sâu và kết hợp cả hai.

"Riêng với các DN nhỏ, sản phẩm chưa ổn định, nay thế nọ, mai thế kia thì việc mở rộng thị trường XK thực sự là rất khó. Điều tôi muốn chia sẻ là các DN nội hãy cố gắng làm thật tốt thị trường trong nước đi đã, nếu bán hàng tốt trong nước cho thật chuẩn thì chắc chắn sẽ bán được ở các thị trường khác", ông Nghĩa lưu ý.