Xuất khẩu gỗ sang EU sẽ phải có giấy phép thực thi Lâm luật

Theo Duyên Duyên/vneconomy.vn

Cơ chế cấp phép thực thi Lâm luật, quản trị và thương mại Lâm sản (FLEGT) sẽ góp phần tăng uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam, không chỉ tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác.

Cho đến khi bắt đầu cấp phép FLEGT, gỗ và sản phẩm gỗ được nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc.
Cho đến khi bắt đầu cấp phép FLEGT, gỗ và sản phẩm gỗ được nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã được phê duyệt và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.

Theo đó, Hiệp định VPA/FLEGT được thực thi là dấu mốc khởi đầu việc Việt Nam và EU cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Để thực hiện Hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm việc xác minh một cách hệ thống để đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ được khai thác và mua bán hợp pháp phù hợp với pháp luật của quốc gia khai thác. 

Điều này có nghĩa là gỗ khai thác bất hợp pháp và các doanh nghiệp mua bán gỗ khai thác bất hợp pháp sẽ không được tham gia chuỗi cung ứng.

Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật hài hòa hóa các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT. Theo kế hoạch, Nghị định này sẽ được trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019. 

Được biết, Hiệp định được triển khai đầy đủ khi cơ chế cấp phép thực thi Lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (FLEGT) bắt đầu hoạt động. 

Khi đó, mỗi lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ đi kèm với giấy phép FLEGT. Cơ chế cấp phép FLEGT sẽ đảm bảo việc đáp ứng các yêu cầu của Quy chế gỗ của EU, một quy chế được xây dựng nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU. 

Cho đến khi bắt đầu cấp phép FLEGT, gỗ và sản phẩm gỗ được nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc theo quy định của Quy chế gỗ của EU nhằm đảm bảo loại trừ rủi ro nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU. 

Mặt khác, EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT tại thị trường EU.

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường từ việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ góp phần tăng uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam không chỉ tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, các thị trường đang ngày càng có nhu cầu cao về gỗ hợp pháp.