Xuất khẩu lao động đã vượt kế hoạch năm 2015

Theo baohaiquan.vn

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 11 tháng đầu năm 2015, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 109.252 lao động, vượt 15% kế hoạch năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp cho biết, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 11 năm 2015 là 9.837 lao động (3.700 lao động nữ), gồm các thị trường: Đài Loan: 5.308 lao động (1.700 lao động nữ), Nhật Bản: 2.646 lao động (1.194 lao động nữ), Hàn Quốc: 630 lao động (41 lao động nữ), Malaysia: 735 lao động (550 lao động nữ), Ả rập - Xê út: 265 lao động (157 lao động nữ), Macao: 57 lao động (57 lao động nữ) và các thị trường khác.

Như vậy, Đài Loan và Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu về số lượng lao động Việt Nam đến làm việc bởi đây là hai thị trường có tiền lương và chế độ cho người lao động khá ổn định.

Trước đó, qua thanh kiểm tra, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với các DN giao nhiệm vụ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không đúng quy định cho các đầu mối cũng như không báo cáo đầy đủ về việc giao nhiệm vụ này.

Nhằm bảo đảm việc tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng quy định của pháp luật, ngày 24-11-2015, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành văn bản số 2271/QLLĐNN-PCTH về việc rà soát bộ máy và báo cáo về đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động, trong đó yêu cầu các DN rà soát bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của DN.

Các DN phải báo cáo Cục về tổ chức bộ máy hoạt động và việc giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho các đầu mối kèm theo Quyết định thành lập, giao nhiệm vụ, ủy quyền/bổ nhiệm người đứng đầu, danh sách trích ngang cán bộ làm việc tại các đầu mối nêu trên; giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh.

Đối với các DN không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ sẽ bị xử lý theo quy định với mức phạt tiền cao nhất là 40 triệu đồng/hành vi vi phạm. Những DN bị xử phạt vi phạm hành chính từ hai lần trở lên trong thời hạn 12 tháng sẽ bị đình chỉ hoạt động6 tháng.