Xuất khẩu năm 2016 tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực

PV.

Tại Hội nghị tổng kết tình hình phát triển công nghiệp và thương mại năm 2016, định hướng và giải pháp thực hiện năm 2017 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 6/1/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2016, cả nước có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD so với 23 mặt hàng của năm 2015. 

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và tốc độ tăng cao là điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 34,5 tỷ USD, tăng 14,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 18,5 tỷ USD, tăng 18,4%. Nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 22,14 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2015.

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường truyền thống là châu Á, châu Âu và châu Mỹ tiếp tục có tăng trưởng dương trong năm 2016. 

Mặc dù xuất khẩu không đạt mục tiêu 10% đề ra nhưng mức tăng 8,6% là kết quả tăng trưởng khá cao trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ...

Đưa ra đánh giá về những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, qua đó cho thấy sự nỗ lực trong việc mở cửa thị trường, sự cải tiến trong công tác xúc tiến tiêu thụ hàng hóa và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Đặc biệt, xuất khẩu năm qua cũng ghi nhận sự phục hồi và đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủy sản với nhiều mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh về lượng như: rau quả, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê... và hoạt động xuất khẩu của khối các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước tăng trưởng dương (cùng kỳ tăng trưởng âm), do đó đã bù đắp tác động của giá xuất khẩu giảm.

Về nhập khẩu, năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 173,26 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2015, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 71,1 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 102,2 tỷ USD, tăng 5,1%.

Như vậy, xuất siêu trong năm 2016 ước đạt 2,68 tỷ USD.

Trong năm 2017, Bộ Công Thương vẫn đặt ra mục tiêu, xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức được giao (chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là 6-7%), nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu được giao (chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là 3,5% kim ngạch xuất khẩu).

Ông Trần Tuấn Anh nhìn nhận, kinh tế Việt Nam được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng từ kết quả của một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và đi vào thực thi, cơ hội tiếp nhận dòng đầu tư FDI dịch chuyển ra khỏi một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên, giá dầu và lương thực có xu hướng tăng gây sức ép lạm phát tăng trở lại. Việc ổn định tỷ giá và lãi suất cũng sẽ gặp khó khăn do áp lực điều chỉnh theo sự tăng giá của đồng ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và việc ký kết, triển khai các FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn, nhất là việc phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh cả ở thị trường quốc tế và trong nước.