Xuất khẩu năm 2017: Tập trung vào ngành hàng thế mạnh

Theo baocongthuong.com.vn

Bức tranh xuất nhập khẩu (XNK) năm 2016 vẫn có nhiều điểm sáng như: Thặng dư thương mại cao, tăng trưởng dương của nhóm hàng nông - lâm - thủy sản… Trên nền tảng đó, đưa xuất khẩu (XK) tăng trưởng theo hướng bền vững, không chạy theo số lượng, tập trung vào các ngành hàng thế mạnh sẽ là trọng tâm của hoạt động XK năm 2017 và những năm tiếp theo.

Mức tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2016 ước đạt 8% so với năm 2015. . Nguồn: Internet
Mức tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2016 ước đạt 8% so với năm 2015. . Nguồn: Internet

Xuất siêu trở lại

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch XK hàng hóa của cả nước 11 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 159,94 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2015; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 156,96 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ.

Theo nhận định của Cục XNK (Bộ Công Thương), mức tăng trưởng XK cả nước năm 2016 ước đạt 8% so với năm 2015. Dự kiến kim ngạch XK đạt 178 tỷ USD và nhập khẩu đạt 176 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu trong năm 2016 sẽ ở mức 2 tỷ USD, cán cân thương mại đã thặng dư trở lại sau gián đoạn vào năm 2015 vì nhập siêu.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, nếu nhìn cả một quá trình thì hoạt động XNK của Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, theo mạch mà chúng ta giữ được từ những năm trước. Đây là nỗ lực lớn trong hoạt động điều hành của Chính phủ và các Bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, bởi năm 2016 được xem là năm không thuận lợi của kinh tế thế giới và trong nước.

Mức tăng trưởng XK 8% của năm 2016 cũng tương đương so với mức tăng của năm 2015 và đây thực sự là con số khả quan nếu đặt trong bối cảnh hàng loạt các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản… tăng trưởng âm.

Cơ cấu hàng hóa XK của nước ta không có nhiều thay đổi khi công nghiệp chế biến chiếm trên 80%; nông - lâm - thủy sản, nhiên liệu khoáng sản và các loại hàng hóa khác chiếm gần 20%. Điểm đáng mừng là XK đã giúp tiêu thụ tốt nông sản cho bà con, tạo thêm việc làm cho các doanh nghiệp trong khối sản xuất công nghiệp.

Năm 2016, nhiều ngành XK chủ lực gặp khó khăn khi sụt giảm mạnh cả sản lượng và giá trị. Đơn cử như ngành dệt may, chỉ đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 5%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trên 10% trong nhiều năm trở lại đây. Lĩnh vực điện thoại các loại và linh kiện - mặt hàng XK lớn nhất của ta trong năm 2016 - cũng chỉ tăng hơn 10%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 30% của năm 2015.

Nhóm nông - lâm - thủy sản mặc dù đã vượt qua mức tăng trưởng âm của năm trước, trở lại tăng trưởng dương (khoảng 6%), nhưng thực tế việc tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào lượng chứ không phải giá. Năm nay, giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều giảm, đặc biệt mặt hàng gạo đã giảm mạnh về lượng và giá.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều điểm sáng trong hoạt động XK của nhóm hàng nông sản trong năm 2016, đặc biệt là đối với ngành hàng cà phê, hạt điều và hồ tiêu, khi hồ tiêu vẫn duy trì được ở vị thế dẫn đầu. Bên cạnh đó, các mặt hàng mới như rau, quả đã lần đầu lập “ngôi vương” khi vượt qua gạo để trở thành mặt hàng XK chủ lực với kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD.

Giải pháp cần thiết

Năm 2017, định hướng điều hành XK được các Bộ, ngành chú trọng, tập trung vào những nhóm hàng có thế mạnh, các mặt hàng XK chủ lực, nhất là nhóm hàng nông sản.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK - các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp sẽ đặc biệt quan tâm đến việc triển khai giải pháp mang tính chất trung và dài hạn để XK nhóm hàng nông sản, thủy sản có những giải pháp căn cơ, lâu dài, giữ được ổn định; không phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố thiên nhiên và các yếu tố bên ngoài.

Giải bài toán bảo đảm mục tiêu tăng trưởng XK năm 2017 và các năm tiếp theo theo hướng bền vững, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xác định lại định hướng tăng trưởng của các ngành hàng. Thay vì chạy theo số lượng, sản lượng thì phải hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng để hàng XK đạt mức giá cao khi tham gia thị trường thế giới.

Đơn cử như với mặt hàng gạo, ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - đề xuất giảm lượng gạo XK thời gian tới xuống 2 đến 3 triệu tấn/năm, thay vì từ 7 đến 8 triệu tấn như hiện nay. Đại diện VFA cho rằng, thị trường XK gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang đưa ra nhiều chính sách kiểm soát chất lượng theo đường chính ngạch và hạn chế đường tiểu ngạch.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương):

Năm 2017, cơ hội tăng trưởng XK tương đối lớn khi nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) dần đi đến hồi kết hoặc có hiệu lực như FTA Việt Nam - EU; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP… đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo để điều chỉnh hoặc tận dụng lợi ích các hiệp định mang lại.

Trong khi đó, nhu cầu thị trường thế giới là gạo chất lượng cao, giá cạnh tranh; lượng gạo hàng hóa còn thừa so với XK trong 4 năm qua, từ 2013-2016 đang ở mức 1,5 - 2,2 triệu tấn. “Lúa gạo cần tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng với giá thành cạnh tranh. Cân đối sản lượng lúa gạo hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và XK” - ông Huỳnh Thế Năng nhấn mạnh.

Đối với XK thủy sản, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) - cũng cho rằng, XK thủy sản năm 2017, nhất là với những mặt hàng chủ lực như cá tra, tôm, thay vì tập trung vào sản lượng, cần tập trung vào phân khúc chất lượng cao, cung cấp vào nhà hàng để có giá bán tốt.

Theo Bộ Công Thương, để hoạt động XK mang lại hiệu quả cao trong năm 2017 và những năm tiếp theo, cần chú ý tới hai giải pháp.

Thứ nhất, bên cạnh việc mở rộng thị trường còn phải chú trọng đến điều chỉnh các ngành hàng, bởi hoạt động XK không chỉ hướng đến chiếm lĩnh thị trường mà còn phải chiếm lĩnh được các ngành hàng Việt Nam có lợi thế trên bản đồ thế giới.

Thứ hai, hiện nay, nước ta không chủ trương sản xuất sản phẩm từ đầu đến cuối bởi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta phải chấp nhận chỉ là một khâu trong đó, nhưng phải xác định tham gia khâu nào để thu được lợi ích tối đa và mang về giá trị nhiều nhất.

Thực tế, trong thương mại quốc tế, những khâu đem lại giá trị lớn thường nằm ở hoạt động phân phối, thương hiệu, phát triển sản phẩm. Còn những khâu doanh nghiệp trong nước có thế mạnh như trồng trọt, chăn nuôi, gia công, chế biến cũng đem lại giá trị nhưng thường là thấp hơn. Do đó, phải tái cơ cấu để doanh nghiệp có thể tham gia nhiều hơn những khâu cuối.