Xuất khẩu nông, lâm thủy sản: Chuyện cũ vẫn mới !

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Chưa đầy tháng nữa là kết thúc năm 2013, số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản sau 11 tháng năm 2013 chỉ đạt khoảng 25,25 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng chiến lược như gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều…đều tụt dốc cả về sản lượng, kim ngạch và giá tạo nên những gam màu tương phản.

Xuất khẩu nông, lâm thủy sản: Chuyện cũ vẫn mới ! - Ảnh 1

Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), sự yếu kém trong quản lý chất lượng, cùng manh mún của nhiều chuỗi cung ứng, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN) đã khiến giá bán thấp.

Phần lớn nông sản xuất khẩu dù với số lượng lớn nhưng ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có mẫu mã bao bì, thương hiệu. Do vậy, nếu không đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, thì xuất khẩu nông sản Việt Nam khó tăng trưởng trở lại.

Nâng cao chất lượng

Trước những gam màu không mấy lạc quan của bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2013, theo nhận định của TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, mấu chốt vấn đề là chúng ta không nâng được chất lượng của nông sản. Muốn bán được giá cao, tăng giá trị xuất khẩu thì phải có nông sản đạt chất lượng quốc tế. Vấn đề chất lượng nông sản lại không chỉ phụ thuộc vào một mình người nông dân mà phụ thuộc rất nhiều vào các DN thu gom, phân phối. Hiện nay, khâu chế biến và đầu tư cho marketting của các DN Việt Nam rất kém.

Ví dụ như ngành hàng gạo, kể cả các DN nhà nước lớn vẫn chỉ nhằm xuất khẩu vào các thị trường gạo mang tính chất giá rẻ, cứu đói chứ không có năng lực tiếp cận thị trường gạo giá cao, vậy thì không thể nâng giá trị xuất khẩu lên được. Nếu so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác cùng khu vực như Thái Lan, Đài Loan thì ngoài vấn đề chất lượng nông sản, khâu marketting, đầu tư cho bao bì, mẫu mã của họ cực kỳ tốt.

Tái cấu trúc ngành nông nghiệp đang được Bộ Nông nghiệp khởi xướng được xem là bài thuốc đặc trị cho căn bệnh thành tích về sản lượng xuất khẩu” hiện nay.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các ngành nông thủy sản sản xuất khẩu chủ chốt nói riêng là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trong đó người nông dân luôn “đơn độc” trong khâu nuôi trồng của mình.

Nông dân chỉ biết sản xuất ra để bán cho thương lái, họ chỉ nghe và làm theo thương lái, thương lái quyết định giá mua cao hay thấp. Trong khi đó, đa số DN xuất khẩu lại chỉ lo thu gom nguyên liệu khi vào mùa vụ và tính toán giá xuất khẩu sao cho có lợi nhuận chứ không quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu và đảm bảo lợi ích của người nông dân. Điều này thể hiện rõ như hai ngành hàng gạo và con cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo bà Lan, hiện Việt Nam đang tích cực đàm phán tham gia hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương có thể mở cửa nhiều thị trường quan trọng tiêu thụ nông sản Việt như Mỹ, Nhật Bản... Do đó, từ kinh nghiệm việc gia nhập WTO và các hiệp định tự do hóa thương mại trước đây cho thấy, có dành được lợi ích từ hội nhập hay không, hoàn toàn phụ thuộc mức độ đổi mới nội tại của đội ngũ DN và việc tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Tái cơ cấu từ gốc

Trong phân tích của mình, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, theo quy luật thị trường, giá giảm thường xuất phát từ nguyên nhân cung vượt cầu. Tuy nhiên, đối với nhiều ngành hàng nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, giá sụt giảm là do chúng ta chưa lường trước những thách thức khi hội nhập sâu rộng. Dù Việt Nam đã trở thành một quốc gia có vị thế trên trường quốc tế với vị trí nhất, nhì thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, giữ ngôi vương xuất khẩu điều, hạt tiêu… nhưng thực tế giá trị hàng hóa của ta thấp, cũng như việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam hầu như vẫn giậm chân tại chỗ.

Việc thay đổi chính sách chưa bắt kịp với các cam kết WTO đã khiến ngành nông nghiệp không phát huy được hết tiềm năng của mình. Trong khi đó, tỷ lệ hàng nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam luôn bị hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu kiểm soát chặt chẽ. Sự yếu kém trong quản lý chất lượng, cùng manh mún của nhiều chuỗi cung ứng, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN đã khiến giá bán thấp.

Phần lớn nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam dù xuất với số lượng lớn nhưng vẫn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có mẫu mã bao bì, thương hiệu. Đơn cử như ngành thủy sản và chăn nuôi phát triển nhanh, nhưng thiếu bền vững. Năng suất vật nuôi còn thấp, giá thành chăn nuôi cao, thức ăn chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu… khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản phải treo ao, hộ chăn nuôi thì bỏ chuồng do giá bán thấp hơn giá thành.

Do vậy tái cấu trúc ngành nông nghiệp đang được Bộ Nông nghiệp khởi xướng được xem là bài thuốc đặc trị cho căn bệnh thành tích về “sản lượng xuất khẩu” hiện nay.