Xuất khẩu nông sản 2019: Xây mốc mới - 43 tỷ USD

Theo Dương Thanh/kinhtenongthon.vn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD, tăng trưởng GDP ngành đạt 3,0%.

Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD. Nguồn: internet
Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD. Nguồn: internet

Kim ngạch xuất khẩu 2018 vượt 40 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, mặc dù có áp lực lớn từ sự cạnh tranh và sự giảm sút về giá cả trên thị trường thế giới của nhiều mặt hàng cây công nghiệp nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn có sự vươn lên khá mạnh mẽ, năm 2018 lập kỷ lục mới, đạt 40 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu đạt được năm 2018 là kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới). 

Kết quả này đạt được trong bối cảnh thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường nông sản lớn của Việt Nam, bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu.

Nét nổi bật của xuất khẩu nông sản năm 2018, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT là, thị phần xuất khẩu đều duy trì, củng cố và mở rộng, 5 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản chính của Việt Nam đều tăng giá trị: Trung Quốc (chiếm 22,9%, giá trị tăng 3,6% so với năm 2017); Mỹ (chiếm 17,9%, tăng 9,4%); Nhật Bản (chiếm 19,1%, tăng 7,1%); ASEAN (chiếm 10,64%, tăng 11,0%); Hàn Quốc (chiếm 6,9%, tăng 29,4%).

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng, trong đó có gạo, quả - rau, cá tra, đồ gỗ và lâm sản. Trong khi đó, những khó khăn của thị trường nông sản thế giới trong năm 2018 là cản trở lớn cho Việt Nam để duy trì đà tăng trưởng hai con số về kim ngạch xuất khẩu nông sản.

Thị trường nông sản thế giới năm 2018 ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu khiến cho nguồn cung tăng nhanh trong khi nhu cầu thế giới giảm hoặc tăng trưởng chậm. Cụ thể là các mặt hàng cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều. Tuy nhiên, các mặt hàng chủ lực cây công nghiệp (cà phê, điều và cao su), mặc dù bị giảm giá nhưng nhờ tăng số lượng xuất khẩu nên Việt Nam vẫn duy trì được giá trị xuất khẩu ở mức cao (xuất khẩu cà phê 11 tháng ước đạt 3,3 tỷ USD; xuất khẩu điều đạt 2,25 tỷ USD; cao su đạt 1,87 tỷ USD). 

Trung Quốc: Miếng bánh lớn nhưng ngày càng khó

Trung Quốc nhập khẩu nông sản tăng bình quân 8,8%/năm, chiếm khoảng 10% toàn cầu và là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông sản. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng gạo, cao su, trái cây, cá tra... của Việt Nam. 

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam, cho biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất mặt hàng gạo của Việt Nam, nhưng là thị trường muốn xuất khẩu phải có điều kiện. Trong 152 hội viên của VFA, mới có 21 doanh nghiệp được cấp giấy phép đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo (trong tổng số 6 triệu tấn gạo Việt Nam xuất khẩu), chiếm 22% tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu năm 2018. Tuy nhiên, số lượng này có giảm mạnh so với năm 2017, khi chiếm tới 38%, tương đương 2,2/5,7 triệu tấn gạo Việt Nam xuất khẩu. Nguyên nhân do chính sách của Trung Quốc có sự thay đổi.

Trong khi đó, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc cho biết nhu cầu, tiêu chuẩn cụ thể, phương thức thanh toán giữa 2 bên, giao nhận bằng đường bộ hay đường thủy, nhập sản phẩm vào cảng nào… để thông tin cho hội viên biết. Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh, địa phương có nhiều mặt hàng xuất sang Trung Quốc như cao su, sắn, trái mãng cầu... đề nghị Trung Quốc khi có sự thay đổi chính sách cần cho biết trước để doanh nghiệp Việt có thời gian chuẩn bị. Không để xảy ra như tình trạng tinh bột sắn vừa qua không thể xuất sang Trung Quốc do có sự thay đổi.

Tại buổi tọa đàm xuất khẩu nông sản giữa gần 100 doanh nghiệp và các hiệp hội nông sản Việt Nam với Trung Quốc (các doanh nghiệp tỉnh Liêu Ninh như Tập đoàn Sunwah, Tập đoàn Liêu Ninh...), ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết, sầu riêng và khoai lang vừa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là một phần trong kết quả đàm phán mở cửa thị trường giữa 2 nước. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đồng ý xem xét việc mở cửa thêm một số loại trái cây khác theo thứ tự: sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt.

Hiện, Việt Nam đã đàm phán để phía Trung Quốc giãn lộ trình áp dụng yêu cầu về lô hàng phải có chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng từ tháng 12/2018 sang tháng 6/2019. Như vậy, doanh nghiệp Việt còn 6 tháng chuẩn bị để có thể đáp ứng các quy định của Trung Quốc.

Thị trường Mỹ: Nhiều rào cản

Xuất khẩu nông sản Việt sang Mỹ đối mặt với nhiều rào cản. Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận toàn diện, hiểu biết cặn kẽ quy định về an toàn thực phẩm, dược phẩm khi nhập khẩu cũng như quy trình, thủ tục vào thị trường Mỹ. Vì thế, để tăng cường xuất khẩu vào thị trường Mỹ các mặt hàng nói trên, việc nhanh chóng khắc phục những bất cập đó vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là vấn đề xuyên suốt trong tiến trình đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Hoa quả xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt. Đánh giá tổng quan các quy định nhập khẩu thực vật nói chung vào thị trường Mỹ, ông Nguyễn Thắng Vượng, cán bộ Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), nguyên Tùy viên Thương mại Việt Nam tại Mỹ chỉ rõ, hoạt động nhập khẩu các sản phẩm quả - rau vào thị trường Mỹ chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều quy định và đạo luật khác nhau như Chương trình bảo vệ thực vật và kiểm dịch (PPQ); Đạo luật bảo vệ thực vật (PPA); Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA); Đạo luật Bảo vệ chất lượng thực phẩm (FQPA) và một số quy định khác. 

Trong đó, Chương trình bảo vệ thực vật và kiểm dịch của Mỹ sẽ giám sát đối với tất cả các loại thực vật nhập khẩu (bao gồm cả hoa quả) nhằm phát hiện các loài xâm lấn, côn trùng, bệnh thực vật ngoại lai có nguy cơ cao đối với nông nghiệp và các cộng đồng tự nhiên ở Mỹ. Khi đó, sản phẩm nông sản nhập khẩu vào Mỹ bắt buộc phải có giấy phép nhập khẩu thực vật, giấy phép bắt buộc đối với sinh vật và đất cũng như giấy phép thực vật và sản phẩm từ thực vật.

Bỡ ngỡ trên “sân nhà” ASEAN

Việc cắt giảm rào cản thuế quan từ thị trường ASEAN được xem là cơ hội lớn để hàng Việt tấn công vào “sân nhà” này, chưa kể sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, thời gian. Tuy nhiên, dường như các doanh nghiệp đến nay chưa tận dụng tốt lợi thế này.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN khá đa dạng, từ nông, hải sản, khoáng sản đến những mặt hàng được chế biến sâu. Sau hơn 2 năm thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cùng với sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu chung, 2 nhóm hàng nông nghiệp và công nghiệp có sự sụt giảm mạnh. 

Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các nước ASEAN một phần do sản lượng giảm, phần khác bởi giá hàng nông sản như cà phê, cao su, sắn giảm mạnh.

Năm 2018, xuất khẩu nông sản sang ASEAN chiếm 10,64% (tăng 11,0%), mặt hàng cá tra xuất khẩu tăng mạnh nhất tại thị trường này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 11/2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 183,5 triệu USD (tăng 43,7% so với cùng kỳ 2017).

Xuất khẩu cá tra sang Thái Lan 11 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 67,5 triệu USD. Đây là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam tại ASEAN, chiếm 36,8% tổng xuất khẩu sang cả khu vực.  

Ngoài thị trường Thái Lan, năm 2018, Việt Nam cũng xuất khẩu cá tra sang hai thị trường lớn là Singapore và Phillipines cũng đạt mức tăng trưởng cao với giá trị đạt lần lượt 42,3 triệu USD và 37,4 triệu USD. Theo khảo sát thị trường, hiện nhu cầu nhập khẩu của hai thị trường này vẫn đang ổn định và tăng mạnh ở mức 2 con số, khẳng định dấu hiệu khả quan cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Năm 2019, đặt mục tiêu 43 tỷ USD

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018, tăng trưởng toàn ngành rất ấn tượng, điển hình các mặt hàng: Gạo, quả - rau, cá tra, đồ gỗ và lâm sản. Ngoài 5 thị trường chính, các thị trường mới nổi, thị trường ngách (Trung Đông, châu Phi, Đông Âu) đều được lựa chọn phát triển bài bản, có tính bổ trợ cho các thị trường trọng điểm.

“Tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức cao nhất trong 10 năm gần đây, cho thấy tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD, tăng trưởng GDP ngành đạt 3,0%.  

Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và PTNTđang tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại đem lại, đặc biệt là 2 Hiệp định: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương  (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Bộ Nông nghiệp và PTNT đặc biệt chú trọng công tác dự báo thị trường, nhất là những thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài…