Xuất khẩu nông sản: Tăng nhưng vẫn bấp bênh

Theo thoibaokinhdoanh.vn

7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu (XK) nông - lâm - thủy sản đạt 17,8 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một số mặt hàng gạo, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắn… gặp khó trong tiêu thụ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá các mặt hàng nông sản ở mức thấp hơn so với năm 2015.

Bên cạnh đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề dẫn tới tăng trưởng âm của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, XK nông lâm, thủy sản vẫn tăng 6,2% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, một số mặt hàng XK có mức tăng trưởng tốt như cà phê, hạt điều, tiêu, rau quả…

Trung Quốc thắt chặt chính sách nhập khẩu

Các thị trường XK chủ lực như Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao đối với các mặt hàng cà phê, rau quả, hồ tiêu, hạt điều và thủy sản. Riêng thị trường Nhật Bản, hầu hết các mặt hàng (gỗ và các sản phẩm từ gỗ, rau quả, thủy sản, sắn, mây tre cói thảm) đều giảm đáng kể là do nhu cầu thị trường yếu, trừ mặt hàng cà phê tăng 14%. Tuy nhiên, XK gạo và sắn sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Một số sản phẩm chủ lực gặp khó trong việc XK sang các thị trường. Với mặt hàng gạo, từ tháng 5/2016 đến nay có xu hướng giảm giá. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có các hợp đồng lớn từ các thị trường truyền thống như: Philippines, Indonesia… Trung Quốc là thị trường NK gạo lớn của Việt Nam, nhưng hiện nay, thị trường này đang quản lý chặt việc XK gạo qua đường tiểu ngạch.

Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, những năm trước, XK gạo tiểu ngạch qua Trung Quốc rất lớn nhưng năm nay rất khó khăn, vì chính sách NK của Trung Quốc có sự thay đổi lớn, họ chuyển hướng sang nhập gạo từ Campuchia, Thái Lan, Myanmar…

Vừa chịu áp lực giảm nhu cầu, gạo Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của đối thủ rất lớn là Thái Lan. Bà Tâm cho rằng thị trường châu Phi hiện còn bỏ ngỏ, nhưng doanh nghiệp (DN) chưa mặn mà vì XK sang châu Phi nhiều rủi ro, bên cạnh đó, các DN Thái Lan có nhiều lợi thế hơn các DN Việt Nam khi xuất sang thị trường này.

XK nông sản gặp khó bởi thị trường suy giảm, bên cạnh đó, giá nông sản thế giới giảm cũng tác động khiến giá của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam cũng trong biên độ tăng giảm khá mạnh. Nếu như đầu năm, thị trường chứng kiến sự tăng giá của sản phẩm lúa gạo, cá tra ĐBSCL thì từ tháng 5 cho đến thời điểm này, giá lại bất ngờ đảo chiều giảm.

“XK gỗ cũng ở tình trạng tương tự, 6 tháng đầu năm 2016, XK dăm gỗ giảm rất mạnh, giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dăm XK cũng giảm mạnh Năm 2015, nếu bán 1 tấn dăm khô khoảng 144 USD thì nay chỉ còn 132 - 126 USD”, ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết.

Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường

Nông sản Việt Nam “gặp hạn” không chỉ ở vấn đề thị trường giảm sức mua, giá giảm, mà đáng lo hơn là chưa kiểm soát được chất lượng. Điển hình như mặt hàng cà phê, theo ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, vấn đề quản lý ATTP hiện nay chưa tốt, số cơ sở chế biến cà phê, hoạt động bài bản có thương hiệu rất ít, trong khi đó, DN sản xuất cà phê “bẩn” mở tràn lan không kiểm soát được hết.

Không kiểm soát được chất lượng kéo theo hệ lụy nhiều thị trường lớn “e ngại” sản phẩm nông sản của Việt Nam. Mặt hàng tôm của Việt Nam chưa thâm nhập được vào thị trường Australia vì họ chưa công nhận Việt Nam là quốc gia sạch bệnh. Hàn Quốc cũng không nhập sắn lát của Việt Nam vì nghi nhiễm chì…

Để bảo đảm giữ vững tăng trưởng XK, thời gian tới, Bộ NN&PTNT tập trung vào một số giải pháp, như: tổ chức một số diễn đàn xúc tiến thương mại trong nước, kêu gọi đầu tư của các DN nước ngoài liên kết với các DN trong nước để sản xuất các mặt hàng XK.

Đẩy mạnh công tác thương mại, tìm kiếm thị trường nhất là thị trường đầu ra cho mặt hàng gạo tại thị trường truyền thống và thị trường châu Phi. Tổ chức đoàn xúc tiến thương mại kết nối DN quảng bá giới thiệu sản phẩm chè và thực phẩm hữu cơ Việt Nam và làm việc với cơ quan quản lý nông nghiệp Hoa Kỳ liên quan đến tiêu chuẩn thuốc bảo vệ thực vật tại thị trường này.

Tiếp tục tháo gỡ rào cản kỹ thuật theo hướng chủ động tiếp cận với các thị trường đang tăng cường rào cản như Hoa Kỳ. Rà soát kết quả đàm phán FTA, từ đó tuyên truyền cho DN về các nội dung FTA đã ký nhằm tận dụng các lợi thế, nhất là nhận thức về ưu đãi thuế quan đi kèm với quy tắc xuất xứ để giúp DN có thể tối đa hóa các ưu đãi của các hiệp định mang lại.