Xuất khẩu nửa đầu năm 2018: Bước tăng trưởng ấn tượng

Theo Phương Lan/baocongthuong.com.vn

Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trên bức tranh kinh tế những tháng đầu năm khi kim ngạch xuất khẩu (XK) 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Đà xuất siêu tiếp tục được duy trì, là kết quả tích cực trong hoạt động ngoại thương của nước ta.

Đà xuất siêu tiếp tục được duy trì, là kết quả tích cực trong hoạt động ngoại thương của nước ta. Nguồn: Internet
Đà xuất siêu tiếp tục được duy trì, là kết quả tích cực trong hoạt động ngoại thương của nước ta. Nguồn: Internet

Tín hiệu vui từ hoạt động xuất nhập khẩu

Dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Trung Quốc - thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam liên tục siết chặt nhập khẩu bằng các quy định khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng; Nguồn cung trên thị trường thế giới tiếp tục gia tăng, kim ngạch XK gạo những tháng đầu năm vẫn có sự bứt phá lớn.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch XK gạo trong 6 tháng đầu năm 2018 đã đạt trị giá 1,84 tỷ USD, ước tăng 44,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, ngành lúa gạo Việt Nam đang có những bước chuyển biến tích cực. Cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng tăng phân khúc gạo chất lượng cao, giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp. Nhờ vậy, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo XK của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Hiện, mức giá đã hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn. Đây chính là lý do khiến ngành lúa gạo có sự tăng trưởng kim ngạch XK ấn tượng trong những tháng đầu năm.

Gạo là một trong những mặt hàng có sự bứt phá về kim ngạch XK trong những tháng đầu năm, bên cạnh nhiều mặt hàng XK chủ lực khác. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch XK hàng hóa 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017.

Tăng trưởng XK đạt 16% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cho cả năm 2018, bằng 48,15% kế hoạch năm. Kết quả XK này cũng cho thấy những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia và nguy cơ của một cuộc chiến thương mại toàn cầu trong những tháng đầu năm 2018 trước mắt chưa có tác động nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam.

Trong kết quả chung của hoạt động XK những tháng đầu năm, đáng chú ý là mức tăng trưởng ấn tượng của khu vực 100% vốn trong nước. Thoát khỏi đà tăng trưởng âm của hai năm về trước, sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch XK của khu vực này đã ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 19,9%. Đặc biệt, mức tăng trưởng này đã vượt qua mức tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (14,5%).

Số liệu những năm gần đây cũng cho thấy, tăng trưởng XK của khối DN trong nước đang cải thiện nhanh. Nếu như năm 2015 XK giảm 2,6%; năm 2016 chỉ tăng 5,5% thì năm 2017 đã tăng tới 17,7%. Những con số này rất có ý nghĩa khi Bộ Công Thương đang nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN trong nước nhằm cân bằng tỷ trọng XK giữa khối DN FDI và DN nội địa.

Ông Lê Quốc Phương - Nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Dù tăng trưởng của khối DN này mới diễn ra trong thời gian gần đây nhưng đây là dấu hiệu đáng mừng vì DN trong nước là động lực cho sự phát triển kinh tế. Tăng trưởng XK của nhóm này sẽ góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững”.

Dù XK tăng cao ở quý I (tăng 24%) nhưng giảm đà tăng trưởng trong quý II (cả quý II tăng 10%) nhưng nếu xét về giá trị tuyệt đối, bình quân quý II/2018, XK đạt khoảng 19,5 tỷ USD/tháng, cao hơn bình quân quý I/2018 (18,5 tỷ USD/tháng). Việc tăng trưởng quý II đạt mức thấp so với quý I là do năm 2017, XK quý I ở mức thấp, đạt bình quân 14,9 tỷ USD/tháng và chỉ bắt đầu tăng trưởng từ quý II với mức bình quân 17,7 tỷ USD/tháng.

Ấn tượng những mặt hàng tỷ USD

Về các mặt hàng, tính đến hết tháng 6/2018, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, trong đó, nhóm nông sản, thủy sản đóng góp 5 mặt hàng. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch XK tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Hàng dệt, may; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép các loại.

Riêng với mặt hàng điện thoại, mức tăng trưởng đã tác động khá lớn đến sự thay đổi mức tăng trưởng kim ngạch giữa quý I và quý II. Cụ thể, XK điện thoại các loại và linh kiện trong quý I/2018 đạt 12,6 tỷ USD, tăng 62% trong khi quý II chỉ đạt 9,9 tỷ USD, giảm 15,5%. Sự thay đổi về tăng trưởng kim ngạch này xuất phát từ sự thay đổi về thời điểm xuất bán sản phẩm điện thoại mới trong hai năm 2017 và 2018, không thể hiện sự sụt giảm về kim ngạch XK. Thực tế, tổng kim ngạch XK điện thoại trong 6 tháng đầu năm 2018 vẫn tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, XK điện thoại cũng chiếm đến 19,4% tổng kim ngạch XK hàng hóa cả nước.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, XK các sản phẩm ngành khoáng sản đang giảm dần với tỷ trọng chiếm 1,9% tổng kim ngạch hàng hóa XK (năm 2017 chiếm 2,5%), giảm so với 2,5% của 6 tháng đầu năm 2017. Đồng thời, tỷ trọng XK đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như các sản phẩm ngành nông sản, thủy sản đang được cải thiện với tỷ trọng hai nhóm hàng này đạt lần lượt là 11,8% và 81,9% (tỷ lệ này năm 2017 là 12,5% và 80,2%).

Với kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017, cả nước xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm gần 2,4% kim ngạch XK. Cán cân thương mại nghiêng về hướng xuất siêu là điều kiện quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển.

Kim ngạch XK dự báo tăng trên 13%

Với những kết quả đã đạt được, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước có thể đạt 475 – 477 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2017. Trong đó, kim ngạch XK ước đạt khoảng 240 – 242 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017 và sẽ tiếp tục có thặng dư cán cân thương mại hàng hóa.

Cơ hội tăng trưởng XK hàng hóa là có khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. 

Mặc dù vậy, tình hình XK trong nước được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm XK của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nhập khẩu, như cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra; Chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ, EC xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm XK của Việt Nam tại một số nước (cá tra ở EU, hạt điều ở Ấn Độ…)

Hơn nữa, việc đạt mức XK bình quân 20,45 tỷ USD/tháng là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường. Điều này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan và cả cộng đồng doanh nghiệp.

Do đó, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho XK. Bên cạnh đó, tuyên truyền, thông tin, nâng cao nhận thức của cộng động DN về các FTA để tận dụng những lợi thế, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng tham vấn DN trong quá trình đàm phán ký kết, sửa đổi, nâng cấp các FTA.

Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng XK, tạo nguồn hàng XK theo hướng bám sát các quy định về xuất xứ hàng hóa để tận dụng được cơ hội ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường mà các FTA mang lại, đồng thời giảm áp lực nhập khẩu. Tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của việc ký kết, thực thi các FTA đối với từng ngành để điều chỉnh chiến lược phát triển ngành cho phù hợp hơn…