Xuất khẩu phần mềm dần khẳng định vị thế

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Vượt qua Ấn Độ đứng vị trí thứ hai tại thị trường Nhật Bản, đứng trong top 10 các điểm đến xuất khẩu phần mềm hấp dẫn trên thế giới, cung cấp dịch vụ trọn gói theo xu hướng công nghệ mới...đó là những dấu ấn quan trọng của ngành phần mềm Việt Nam được thế giới ghi nhận.

 Xuất khẩu phần mềm dần khẳng định vị thế
FPT ký văn bản hợp tác với hãng Hitachi. Nguồn: internet

Cung cấp dịch vụ phần mềm cho các doanh nghiệp (DN) lớn tại thị trường nước ngoài, có nghĩa là các DN phần mềm Việt Nam đang tham gia vào quy trình sản xuất phần mềm quốc tế. Và sau gần 15 năm theo đuổi, các DN phần mềm Việt Nam như FPT, TMA, Global CyberSoft...đã bước đầu tham gia được vào những công đoạn cao hơn của quy trình sản xuất này.

Từ chật vật xin việc…

Khoảng cuối năm 1986, giấc mơ xuất khẩu phần mềm đã được nhen nhóm từ một số Việt kiều Mỹ và Tây Đức và một số chuyên gia tin học Việt Nam. Dưới sự đầu tư của nhóm Việt kiều Frankfurt (Đức), ở Hà Nội đã hình thành 3 nhóm xây dựng 3 hệ phần mềm với mục tiêu xuất khẩu sang Đức và Châu Âu: Hệ chuyên gia, hệ nhận dạng chữ và hệ GIS (AIC và Trung tâm tin học Bộ Lâm nghiệp hợp tác).

Xuất khẩu phần mềm được xem như là một cứu cánh cho các công ty công nghệ thông tin non trẻ của Việt Nam thực hiện ước mơ thành danh ở thị trường thế giới. Đơn cử trường hợp của FPT - một trong những công ty tiên phong coi xuất khẩu phần mềm là hướng đi quan trọng để thực hiện chiến lược toàn cầu hóa.

Năm 1998, FPT bắt đầu làm xuất khẩu phần mềm và liên tiếp ngay trong hai năm tiếp theo, lãnh đạo công ty đã quyết định mở hai văn phòng tại thủ phủ phần mềm và công nghệ của Ấn Độ (Bangalore) và Mỹ (Silicon Valley). Nhưng FPT đã không gặt hái được thành công vì chưa đủ sức cạnh tranh được với các công ty của Ấn Độ, Trung Quốc. Doanh thu sau 2 năm xuất khẩu phần mềm (năm 1998-2000) chỉ đạt trên 400.000 USD, trong khi số tiền bỏ ra đầu tư lên tới 920.000 USD.

Ngay sau đó, lãnh đạo FPT đã tiếp tục tìm kiếm thành công ở thị trường Nhật- thị trường phần mềm khó tính nhất. Nhưng trong giai đoạn đầu tiếp cận đối tác, khách hàng Nhật Bản, FPT chỉ nhận được câu nói khéo của đối tác “Chúng tôi rất muốn hợp tác với FPT nhưng các bạn chờ chúng tôi học xong tiếng Anh đã”. Trong văn hóa Nhật Bản điều này có nghĩa là “không bao giờ”. Sau đó, nhờ có sự giúp đỡ của một người bạn Nhật Bản, FPT cũng có được hợp đồng nhỏ đầu tiên với quy mô “1 man month” (tương đương khoảng 172 giờ làm việc của một kỹ sư phần mềm trong vòng 1 tháng).

… đến “bước cùng” thời đại

Những nỗ lực không ngừng trong thời gian qua của các DN phần mềm Việt Nam đã được thế giới ghi nhận những thành công bước đầu.

Theo nhận định của một chuyên gia trong ngành, “tại thời điểm này đã có những DN phần mềm Việt Nam có thể trực tiếp cung cấp các dịch vụ phần mềm trọn gói (từ tư vấn, thiết kế đến triển khai) cho đối tác nước ngoài theo xu hướng công nghệ mới như điện toán đám mây, công nghệ di động, dữ liệu lớn.

Nhận định trên được minh chứng rõ nét hơn qua câu chuyện xuất khẩu phần mềm của một số DN phần mềm trong thời gian gần đây,

TMA Solutions đang đặt kỳ vọng lớn vào các xu hướng công nghệ mới trên với kế hoạch đặt ra là mảng dịch vụ xuất khẩu phần mềm dựa trên nền công nghệ điện toán đám mây và công nghệ di động sẽ là một trong những mảng quan trọng góp phần vào mục tiêu tăng trưởng 20% doanh thu.

Còn với FPT, công ty có thâm niên 25 năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đã và đang triển khai giải pháp và phát triển ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây của Amazon với một công ty sản xuất ti vi hàng đầu của Nhật, hay hợp đồng về dịch vụ điện toán đám mây và công nghệ di động với một hãng hàng không lớn bậc nhất của Mỹ.

Gần đây nhất, ngày 6/8, FPT đã giành quyền triển khai dự án RQ1-Renovation cho một công ty lớn của Mỹ trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm phần mềm bảo hiểm giá trị bất động sản. Theo dự án này, FPT Software sẽ thực hiện chuyển đổi toàn bộ các sản phẩm phần mềm bảo hiểm giá trị bất động sản của khách hàng theo mô hình cung cấp truyền thống sang mô hình phần mềm dịch vụ (SaaS) trên nền công nghệ điện toán đám mây. Khi dự án hoàn tất, khách hàng có thể cắt giảm khoảng 50% chi phí vận hành cung cấp sản phẩm so với trước đây.

Xu hướng phát triển dịch vụ/giải pháp phần mềm trên nền công nghệ điện toán đám mây và công nghệ di động mà FPT, TMA Solutions đang thực hiện sẽ giúp các DN này thay đổi vị thế trên thị trường thế giới.

Cơ hội xuất khẩu phần mềm còn rất nhiều, tuy nhiên, để mở rộng tối đa cơ hội này, ngoài sự nỗ lực của chính các DN còn cần có sự hỗ trợ lớn hơn nữa từ cơ quan quản lý Nhà nước về các chính sách liên quan đến nguồn nhân lực, quảng bá ngành phần mềm của Việt Nam ra thế giới.