Xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Chú trọng điều kiện thị trường

Theo Phương Lan/baocongthuong.com

Liên tục giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ sau 10 tháng năm 2017 đã đạt 34,7 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2016; xuất siêu 27,1 tỷ USD. Cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường này còn rất lớn vì tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn thấp so với dung lượng thị trường.

Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ sau 10 tháng năm 2017 đã đạt 34,7 tỷ USD. Nguồn: Internet
Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ sau 10 tháng năm 2017 đã đạt 34,7 tỷ USD. Nguồn: Internet

Vững vàng vị trí dẫn đầu

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt tại thị trường Hoa Kỳ, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái như: Dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại… 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ đạt tốc độ tăng trưởng khả quan với 9,25 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 30% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này.

Tiếp sau dệt may là giày dép với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 3,76 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 12% tổng trị giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đây cũng là quốc gia nhập khẩu rất nhiều gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam với tổng kim ngạch lên tới 2,36 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 7,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Nhiều năm trở lại đây, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất hàng hóa của Việt Nam và cũng là thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất. Tuy nhiên, nếu xét trên tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam còn hạn chế. Đơn cử, năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 38,45 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ (2.450 tỷ USD).

Nắm chắc điều kiện thị trường

Cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu là có, nhưng không dễ dàng. Một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ phải đối diện là những thay đổi về xu hướng bảo hộ thông qua các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản.

Đơn cử, từ ngày 1/1/2018, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ áp dụng Chương trình giám sát hải sản nhập khẩu (SIMP), chống lại các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) và gian lận hải sản vào nước này. Đến nay, không ít doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ những yêu cầu, quy định của chương trình. Hoặc Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ cũng yêu cầu tất cả các nhà máy phải gia hạn đăng ký xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ sau mỗi 2 năm, bắt đầu từ năm 2016, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa để tâm đến vấn đề này.

Hóa giải những thách thức hiện hữu, tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ, nhiều giải pháp đã được triển khai. Cụ thể, với nông - lâm - thủy sản, giai đoạn 2016 - 2017, Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các chương trình hành động về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm theo chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp và thị trường. Đồng thời, tăng cường nâng cao hoạt động thực thi Luật An toàn thực phẩm, Luật Thủy sản…; Tăng cường thông tin đến các doanh nghiệp những thay đổi về điều kiện của thị trường…

Với các mặt hàng khác, Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp cần có giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn thị trường nhằm giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu. 

Bộ Công Thương dự báo, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt trên 40 tỷ USD và Hoa Kỳ sẽ giữ vững vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.