Xuất khẩu sang Mỹ: “Khó sẽ ló khôn”?

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Không nằm ngoài cảnh báo trước đó, mới đầu 2018 nhưng Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều rào cản thương mại đối với các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng để vượt qua các rào cản này, Việt Nam chỉ có cách duy nhất là phải tìm hiểu, nắm rõ các hàng rào kỹ thuật đặt ra với từng ngành hàng.

Làm gì để hàng xuất khẩu Việt thoát khỏi rào cản thương mại của Hoa Kỳ? Nguồn: Internet
Làm gì để hàng xuất khẩu Việt thoát khỏi rào cản thương mại của Hoa Kỳ? Nguồn: Internet

Theo Tổng cục Hải quan, trong nhiều năm trước đây và cả năm 2017, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, trong tháng 1/2018, trị giá kim ngạch XK sang quốc gia này đạt 3,6 tỷ USD, chỉ tăng 624 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái và không giúp cho thị trường truyền thống này duy trì được vị thế số một về XK của Việt Nam.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, hết hai tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch XK đạt 6,2 tỷ USD, tăng 64,8% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ tụt xuống vị trí thứ hai trong các thị trường XK lớn của Việt Nam với kim ngạch 6 tỷ USD, tăng 14%.

Giảm đà tăng trưởng

Năm 2017, Bộ Công Thương cho biết kim ngạch XK của nước ta sang Hoa Kỳ đạt 41,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2016, trong khi đó, giá trị nhập khẩu (NK) đạt 9,2 tỷ USD, tăng gần 5,7%.

“Tuy nhiên, nếu so với mức tăng trưởng của vài năm gần đây, có thể nhận thấy tốc độ tăng trưởng cả XK và NK giữa Việt Nam vào Hoa Kỳ đang có xu hướng chậm lại”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, mới đầu năm 2018 nhưng nhiều mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam đối mặt với các tin xấu từ phía Mỹ. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế NK với thép ở mức 25% lên các nước NK vào Hoa Kỳ. Đặc biệt, 12 quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ bị áp thuế lên tới 53%.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết: Nếu biện pháp này được áp dụng, chắc chắn thép của Việt Nam không vào được Hoa Kỳ và bị cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam XK thép vào Hoa Kỳ, chủ yếu là tôn mạ như của Tập đoàn Hoa Sen, thép Nam Kim, tôn Nam Kim…

Ngoài ra, Chương trình giám sát NK thuỷ sản vào Hoa Kỳ (SIMP) sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2018, việc nước này kiểm tra thông tin khai thác và NK đối với 13 loài thuỷ sản là cá hồng, hải sâm, cá mập, cá kiếm… sẽ khiến con đường XK thuỷ sản của Việt Nam sang quốc gia này thêm nhiều trở ngại.

Bà Heather Brandon, chuyên gia của Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết: Theo quy định này, mỗi lô hàng hải sản nhập vào Mỹ phải khai báo đầy đủ thông tin khai thác rất chi tiết như đánh bắt ở vùng biển nào, số hiệu tàu, sản lượng và ngư cụ đánh bắt. Hải sản được tập kết tại điểm thu mua vào, vận chuyển, bảo quản ra sao và thông tin quá trình doanh nghiệp thu mua đến chế biến, bảo quản, XK cũng phải được nêu rõ.

“Ngay cả khi lô hàng đó được tiêu thụ nhưng nếu NOAA phát hiện khai báo thiếu, sai thì đơn vị NK cũng bị xử phạt theo quy định. Trường hợp lỗi vi phạm nhẹ thì phạt tiền theo giá trị lô hàng, nặng thì rút giấy phép nhà NK, nặng hơn có thể phạt tù”, bà Heather Brandon nói.

Về việc này, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư lý Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nhấn mạnh: Trong 13 loại hải sản phải khai báo, những doanh nghiệp XK cá ngừ, cua, cá hồng, cá nục, cá kiếm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn vì những loại hải sản này xuất nhiều sang Mỹ. Đáng lo hơn là hải sản nuôi trồng có sản lượng lớn của nước ta là tôm sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu Mỹ áp dụng quy định này trong 2018.

Mặt hàng tiếp theo là gỗ XK, Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng nhất của Việt Nam, với giá trị kim ngạch XK đạt được từ thị trường này lên tới trên 2,5 tỷ USD năm 2017.

Tuy nhiên, chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa của Chính phủ Mỹ và kế hoạch của chính phủ nhằm cân bằng thương mại giữa quốc gia này và các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc… có thể có những tác động đến ngành chế biến gỗ XK của Việt Nam.

Nếu không muốn gặp khó ở sân chơi Mỹ, ngành gỗ Việt cần loại bỏ việc lấy nguồn gỗ nguyên liệu có rủi ro cao từ NK, thay thế bằng các nguồn gốc gỗ nguyên liệu sạch. Và chỉ cần một thay đổi nhỏ ở các thị trường XK chính cũng có thể gây ra nhiều khó khăn với ngành chế biến gỗ XK của Việt Nam.

Ngoài các mặt hàng XK chiến lược trên, xu hướng bảo hộ và cân bằng lợi ích thương mại của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang khiến nhiều nước gặp khó khăn. 

Mới đây, Hoa Kỳ cũng đã quyết định thay đổi mức thuế NK với sản phẩm máy giặt và pin năng lượng mặt trời. Cụ thể, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 20% đối với 1,2 triệu sản phẩm máy giặt gia dụng cỡ lớn trong năm đầu tiên và mức thuế 50% đối với các sản phẩm vượt qua ngưỡng trên. Đến năm thứ ba, mức thuế này sẽ lần lượt giảm xuống 16%, 40%. Đối với pin mặt trời, năm đầu tiên, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 30%, năm thứ tư trở đi sẽ áp dụng mức thuế 15%.

Chuyện sẽ không đáng lo ngại nếu Việt Nam không là một trong những quốc gia XK pin năng lượng mặt trời nhiều nhất sang Mỹ, với tỷ lệ 9%. Đồng thời, Việt Nam là một trong hai nhà XK máy giặt lớn nhất vào Mỹ.

Chủ động nguồn nguyên liệu

Ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho hay những khó khăn doanh nghiệp XK có thể gặp phải trong năm nay là hàng rào kỹ thuật rất cao, hệ thống pháp luật thương mại khá phức tạp. Việt Nam vẫn bị coi là nước có nền kinh tế phi thị trường, trong thanh toán thì thủ tục khá phức tạp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, người khá am hiểu luật chơi trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, cho rằng: Hiện nhiều sản phẩm của Việt Nam XK sang Mỹ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện NK từ Trung Quốc có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá.

Ông Hiếu nhấn mạnh: xu hướng của Mỹ là siết hàng hoá NK, tập trung cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, hạn chế tối đa nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu… Như vậy, sẽ có một số chính sách mới kèm theo cho công cuộc cải cách thuế, gây bất lợi cho các quốc gia XK hàng hoá sang Mỹ.

Do vậy, ông Hiếu đề nghị Việt Nam phải phát triển tốt ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên phụ liệu chất lượng đầy đủ cho các ngành XK, khi đó hàng Việt mới chắc chắn được thị trường Mỹ đón nhận mà không lo rào cản kỹ thuật, thuế.

“Hàng rào thương mại phi thuế quan dựng lên là điều tất yếu vì hàng rào thuế quan đã bỏ để bảo vệ quyền lợi cho người ta và mỗi thời kỳ, hàng rào sẽ được dựng lên dày hơn. Chúng ta chỉ có cách duy nhất là phải biết, tìm hiểu, nắm rõ diễn biến hàng rào kỹ thuật trong thương mại của từng thị trường, đối với từng mặt hàng”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Bộ Công Thương, nhận xét.

Để không vướng vào rào cản kỹ thuật, doanh nghiệp cần đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, đầu tư cho con người để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao. Nhà nước, hiệp hội cần thông tin để doanh nghiệp biết diễn biến ra sao.